Thổ Nhĩ Kỳ 'đáp trả' Đức về nghị quyết vụ thảm sát năm 1915

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
TPO - Ngay sau khi Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ từ Đức và cảnh báo sẽ hành động hơn nữa nếu cần thiết.

Nghị quyết của Đức làm leo thang căng thẳng giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng trong quá trình ngăn chặn dòng người tị nạn tràn vào châu Âu. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện Đức ngày 2/6, hầu hết các nghị sỹ Đức đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết, chỉ có một phiếu chống và một phiếu trắng.

Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ từ Đức. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nghị quyết của Đức sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng” tới mối quan hệ giữa hai nước.

Đồng thời, ông Erdogan cho biết, việc triệu hồi đại sứ chỉ là bước đầu tiên và chính phủ sẽ xem xét để hành động hơn nữa nhằm đáp trả nghị quyết.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giải quyết vấn đề này”, ông Erdogan tuyên bố.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmush thì gọi nghị quyết của Đức là “sai lầm lịch sử”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel – không có mặt trong buổi bỏ phiếu – cho biết mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “rộng mở và bền chặt”.

“Có nhiều thứ ràng buộc Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí nếu chúng tôi có quan điểm khác biệt về vấn đề cá nhân thì mối liên kết, tình hữu nghị, ràng buộc chiến lược vẫn rất tốt đẹp”, bà Merkel nói.

Bà Merkel cũng cho biết thêm, Đức hỗ trợ đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. 

Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Edward Nalbandian hoan nghênh sự ủng hộ của Đức và cho biết nghị quyết của Đức là “sự đóng góp giá trị cho sự công nhận của quốc tế và lên án tội ác diệt chủng tại Armenia”.

Trong giai đoạn 1915-1916, khoảng từ 200.000-1,5 triệu người Armenia đã bị Đế chế Ottoman tàn sát, nhiều người bị buộc phải cải đạo sang đạo Hồi.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay vẫn nhất mực cho rằng những người bị giết hại trong vụ giết người hàng loạt vào năm 1915 đã chết vì một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, vụ thảm sát người Armenia đến nay vẫn gây căng thẳng giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn 20 quốc gia, trong đó có Nga, Pháp và Giáo hoàng Francis đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG