Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ gần 8.000 sĩ quan cảnh sát

Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ gần 8.000 sĩ quan cảnh sát
TP - Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gần 8.000 sĩ quan cảnh sát nước này đã bị đình chỉ công tác vì nghi ngờ dính dáng cuộc đảo chính cuối tuần qua. Khoảng 6.000 thành viên của các tòa án và quân đội, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cũng đã bị bắt giữ.

Đêm 17/7 và sáng 18/7, các sĩ quan cảnh sát bị đình chỉ bị triệu tập đến trụ sở khu vực và phải nộp lại vũ khí của họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ thanh lọc các cơ quan nhà nước dính líu cuộc đảo chính. Hơn 100 tướng lĩnh và đô đốc đã bị bắt trên khắp đất nước. Học viện Không quân ở thành phố Istanbul bị lục soát vào sáng qua.

Theo truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, giới công tố viên đã bắt đầu thẩm vấn người bị coi là dẫn đầu âm mưu đảo chính - cựu chỉ huy không quân Akin Ozturk. Tám sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chạy sang Hy Lạp bằng trực thăng đã bị đưa ra xét xử tại thành phố Alexandropouli của Hy Lạp, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với tội danh nhập cảnh trái phép. Quá trình xét xử kéo dài đến tận thứ Năm tuần này. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Hy Lạp dẫn độ, nhưng các sĩ quan này đã nộp đơn xin tị nạn ở Hy Lạp.

Những diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và là đồng minh chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), là một trong những vấn đề nóng nhất trong cuộc họp ở Brussels hôm qua. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cai trị dân chủ. Phát biểu tại Brussels, nơi đang diễn ra cuộc họp của các ngoại trưởng châu Âu, ông Kerry nói rằng, Mỹ đứng về phía chính quyền được dân bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ việc đưa những kẻ thủ phạm đảo chính ra công lý, nhưng chúng tôi cũng chú ý rằng, chớ nên vượt quá điều đó”, ông Kerry nói.

Quan chức phụ trách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị, và nói rằng các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về “những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc này”, với ngụ ý việc thanh trừng hàng loạt. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, họ đang thu thập bằng chứng về một tổ chức bí mật hoạt động trong cấu trúc nhà nước trước khi vụ đảo chính nổ ra.

Tổng thống Erdogan hôm 17/7 tuyên bố nước này sẽ cân nhắc việc tái áp dụng biện pháp tử hình. Hình phạt tử hình được bãi bỏ năm 2004 vì Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực gia nhập EU. Không tội phạm nào bị xử tử ở nước này kể từ năm 1984. Phát ngôn viên của chính phủ Đức nói rằng, việc tái áp dụng án tử hình sẽ chấm dứt quá trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG