Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dập tắt đảo chính, bắt hơn 2.800 người

Cảnh sát bắt giữ các binh sỹ tham gia đảo chính tại Quảng trường Taksim ở Istanbul. Nguồn: EPA/TTXVN.
Cảnh sát bắt giữ các binh sỹ tham gia đảo chính tại Quảng trường Taksim ở Istanbul. Nguồn: EPA/TTXVN.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố cuộc đảo chính của nhóm binh sĩ tiến hành từ tối qua đã bị dẹp tan, bắt hơn 2.800 người. Tuy nhiên, súng vẫn nổ, nhiều tướng lĩnh quân đội vẫn bị bắt làm con tin.

Sau khi tuyên bố chính quyền đã hoàn toàn kiểm soát tình hình sau vụ đảo chính từ tối 15/7 kéo dài sang ngày 16/7, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binaila Yildirim cho biết sẽ điều tra mọi khía cạnh của vụ đảo chính và xem xét khả năng xảy ra sai sót trong hệ thống tình báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ankara, Thủ tướng Yildirim nhấn mạnh trong số 2.839 thành viên trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt vì liên quan tới vụ đảo chính có cả các sỹ quan cấp cao. 

Ông còn cho hay những kẻ là trụ cột của vụ đảo chính đều đã bị bắt giam. Công tác điều tra những sai sót trong hệ thống tình báo sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể. 

Liên quan tới giáo sỹ Fethullah Gulen, Thủ tướng Yildirim tuyên bố bất cứ nước nào ủng hộ vị giáo sỹ Hồi giáo này sẽ không phải là bạn của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời sẽ bị coi là có chiến tranh với quốc gia thành viên NATO này.

Trước đó, chính giới Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những kẻ ủng hộ giáo sỹ Gulen - người đã sống lưu vong ở Mỹ trong nhiều năm - là thủ phạm đứng sau vụ đảo chính do một nhóm trong quân đội nước này tiến hành. 

Chính phủ cũng cáo buộc giáo sỹ Gulen đang tìm cách xây dựng một "cấu trúc song song" trong hệ thống tư pháp, giáo dục, truyền thông và quân đội như một cách nhằm lật đổ đất nước. Tuy nhiên, ông Gulen đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính và phủ nhận những cáo buộc dính líu đến âm mưu này.

Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, thủ lĩnh cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là Muharrem Kose, cựu Đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do giáo sỹ Gulen đứng đầu.  Hồi tháng 3 vừa qua, Đại tá Kose bị sa thải do bị cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen. Sau đó, nhân vật này muốn thành lập một tổ chức mang tên "Hội đồng Hòa bình" nhằm thay thế chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài ra, cuộc đảo chính cũng có sự tham gia của một số sỹ quan cấp cao như Đại tá Mehmet Oguz Akkus, Đại tá Erkan Agin và Thiếu tá Dogan Uysal. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dập tắt đảo chính, bắt hơn 2.800 người ảnh 2 Lính đảo chính đầu hàng tại Istanbul. Ảnh: Gokhan Tan
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirum cho biết ít nhất 161 người thiệt mạng và khoảng 1.440 người bị thương trong cuộc đảo chính. Trước đó, Tướng Umit Dundar, quyền tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng khoảng 190 người thiệt mạng, trong đó có 104 người âm mưu đảo chính.

Khi được hỏi liệu án tử hình có là một lựa chọn để đối phó với những người đảo chính, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirum cho biết hiến pháp không quy định hình phạt này nhưng chính phủ sẽ xem xét đưa ra những thay đổi pháp lý.

Theo Reuters, một nguồn tin quân sự Hy Lạp cho biết lực lượng chống chính phủ ở căn cứ hải quân Golcuk, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm một tàu hộ tống. Người đứng đầu hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đề nghị Hy Lạp dẫn độ 8 người Thổ Nhĩ Kỳ đã chạy trốn sang nước này sau cuộc đảo chính. "Chúng tôi yêu cầu 8 binh sĩ phản bội chạy trốn sang Hy Lạp bằng trực thăng đầu hàng ngay lập tức", ông viết.

Theo Theo TTXVN/Vietnam+/vnExpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.