Thời dịch COVID-19, nguồn cung lương thực thế giới 'có vấn đề'?

Một khách hàng bên các kệ trống vốn bày bán mì ăn liền tại siêu thị Carrefour, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 21/3 Ảnh: REUTERS
Một khách hàng bên các kệ trống vốn bày bán mì ăn liền tại siêu thị Carrefour, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 21/3 Ảnh: REUTERS
TP - Mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu đang gia tăng trong lúc khoảng 1/5 dân số thế giới bị phong tỏa để chống lại đại dịch COVID-19, với 470.000 người trên 200 quốc gia bị lây nhiễm, khoảng 21.000 người tử vong.

Tình trạng người dân hoảng loạn mua các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh và các sản phẩm tẩy rửa đã xảy ra ở gần như mọi quốc gia bị virus tấn công, các kệ trống trong siêu thị đã trở nên phổ biến khắp nơi.

Ngoài chuyện sự mua sắm “cuồng loạn” của người tiêu dùng, đang có lo ngại rằng một số chính phủ có thể bắt đầu hạn chế xuất khẩu thực phẩm để đảm bảo dân số của họ có đủ nguồn cung trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch.

“Người dân bắt đầu lo lắng”, ông Phin Ziebell, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Úc nói với Reuters.

“Nếu các nhà xuất khẩu lớn bắt đầu ngừng xuất, sẽ khiến người mua thực sự lo lắng. Đó là việc không hợp lý, vì về cơ bản thế giới đang được cung cấp đủ thực phẩm”, ông nói thêm.

Kazakhstan, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, đã có những động thái nhằm hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lúa mì chủ lực trong bối cảnh lo ngại về nguồn hàng trong nước.

Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vừa bắt đầu giai đoạn phong tỏa đất nước trong ba tuần và một số kênh logistics đã bị đình trệ. Ở những nơi khác, liên minh dầu thực vật ở Nga đã kêu gọi hạn chế xuất khẩu hạt hướng dương và sản lượng dầu cọ đã chậm lại ở nước xuất khẩu lớn thứ hai là Malaysia.

Về phía nhập khẩu, Iraq tuyên bố họ cần 1 triệu tấn lúa mì và 250.000 tấn gạo sau khi một ủy ban khủng hoảng đề xuất xây dựng các kho dự trữ lương thực chiến lược.

Không thiếu?

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính cả lúa gạo và lúa mì toàn cầu - những cây lương thực được giao dịch rộng rãi nhất - sản lượng được dự đoán ở mức kỷ lục 1,26 tỷ tấn trong năm nay, sản lượng đó dễ dàng đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, và sẽ dẫn đến việc tồn kho cuối năm lên mức kỷ lục 469,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, những dự báo đó dựa trên giả định rằng các loại lương thực đó từ nơi sản xuất đến được nơi tiêu thụ, đồng thời  thị trường sẵn có các sản phẩm thay thế. Thực tế là  giá gạo đã tăng do kỳ vọng về việc hạn chế xuất khẩu.

Ấn Độ đang bị phong tỏa và Thái Lan có thể tuyên bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu, một thương nhân chuyên buôn gạo ở trung tâm giao dịch Singapore nhận định. Giá gạo chuẩn RI-THBKN5-P1 ở Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2013 ở mức 492,5 USD/tấn.
Thị trường đã lên mức 1.000 USD/tấn trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, khi các nước hạn chế xuất khẩu và người mua hoảng loạn.

“It có khả năng lặp lại tình trạng năm 2008”, nhà kinh doanh gạo Singapore nói. “Một điều rõ ràng là thế giới có đủ nguồn cung, đặc biệt là ở Ấn Độ có lượng hàng tồn kho rất lớn”.

Dự trữ gạo toàn cầu ước tính lần đầu tiên vượt 180 triệu tấn trong năm nay, tăng 28% kể từ vụ mùa 2015-2016. Nhưng số hàng tồn kho đó không được phân phối đều, chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm hơn 153 triệu tấn.

Điều đó có nghĩa là những nước  nhập khẩu gạo lớn như Philippines và những nước khác ở châu Á và châu Phi có thể dễ bị tổn thương nếu nguồn cung bị ảnh hưởng kéo dài.

“Dự trữ gạo của chúng tôi ổn trong 65 ngày. Chúng tôi có đủ gạo trong hai tháng tới”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines William Dar nói, đồng thời cho rằng Philippines có đủ gạo trong bốn tháng tới với nguồn cung bổ sung đến từ vụ thu hoạch mùa khô.

MỚI - NÓNG