Thông điệp liên bang của ông Obama: Vừa được nhận hoa, vừa bị “ném đá”

Ông Barack Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng trên cương vị tổng thống. Ảnh: Boston Herald.
Ông Barack Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng trên cương vị tổng thống. Ảnh: Boston Herald.
TP - Trong thông điệp liên bang cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua nhấn mạnh những di sản mà ông để lại, đồng thời bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ vào tương lai. Nhưng các ứng viên tổng thống nhân dịp này tung ra nhiều chỉ trích.

Muốn sử dụng lực lượng quân sự chống IS

Tổng thống Obama nói rằng, trong 1 năm lãnh đạo còn lại, ông muốn đóng cửa nhà tù quân sự ở vịnh Guantanamo; đẩy mạnh cải cách tư pháp trong lĩnh vực hình sự; giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc kê đơn;

Quốc hội cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS); dỡ bỏ cấm vận với Cuba. Ông cũng thông báo một sáng kiến nghiên cứu ung thư ở cấp quốc gia do Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu. 

Đồng thời, ông tuyên bố, Mỹ cần giảm thiểu ảnh hưởng của tiền bạc vào chính trị, vì hệ thống chính trị đang tạo điều kiện cho người giàu có, quyền thế.

Ông Obama lên án những giọng điệu tiêu cực của nhiều ứng viên tổng thống đưa ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra, và khẳng định Mỹ là “nền kinh tế mạnh nhất, bền vững nhất trên thế giới”.

 “Bất kỳ ai nói rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái đều là đang bán dạo tiểu thuyết”, ông Obama nói trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận: “Điều có thật và khiến nhiều người Mỹ cảm thấy lo lắng là nền kinh tế đang thay đổi theo những cách thức sâu sắc”. 

Bài phát biểu của Tổng thống Obama nhấn mạnh những điều mà ông coi là thành tựu trong thời kỳ ông nắm quyền, như cải cách y tế. Ông nhấn mạnh yêu cầu phải giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, sử dụng công nghệ để đối phó biến đổi khí hậu và duy trì an ninh quốc gia, không sa lầy vào những cuộc xung đột ở
nước ngoài.

Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi các cử tri và chính trị gia thay đổi giọng điệu chia rẽ về chính trị, và “thay đổi hệ thống nhằm phản ánh chính chúng ta tốt hơn”. 

Ông nói rằng, nỗi tiếc nuối lớn trong thời gian làm tổng thống của ông là phe Dân chủ và Cộng hòa trở nên thù địch với nhau hơn. “Đời sống nhân dân khô héo đi khi chỉ có những tiếng nói cực đoan nhất được chú ý nhất”, ông Obama nói. 

Tổng thống Mỹ nhằm trực tiếp vào ứng viên tổng thống, tỷ phú Donald Trump - người từng đưa ra những bình luận tiêu cực về người theo đạo Hồi và người nhập cư. “Khi các chính trị gia sỉ nhục người Hồi giáo, khi một đền thờ bị phá hoại, hay khi một đứa trẻ bị bắt nạt, chúng ta đều không an toàn hơn”, ông Obama nói. 

Tổng thống Obama chỉ nói ngắn gọn về súng đạn, cho dù gần đây ông tuyên bố sử dụng các biện pháp hành chính để thắt chặt kiểm soát súng, nhằm giảm tình trạng bạo lực liên quan súng đạn.

Các ứng viên tổng thống “ném đá”

Bài phát biểu của ông Obama nhanh chóng bị các ứng viên tổng thống chỉ trích. Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley nói rằng, dấu ấn của ông Obama “không tương xứng với những lời cao vút”. 

Ông Donald Trump viết trên Twitter: “Thông điệp liên bang là một trong những bài nhàm chán, lan man và phi thực chất nhất mà tôi từng nghe suốt một thời gian dài”. 

Còn ứng viên Ted Cruz nói rằng, bài phát biểu “ít giống thông điệp liên bang mà giống thông điệp chối từ hơn”. Ứng viên Marco Rubio nói trong một đoạn video: “Trong khi IS đang chặt đầu người dân và đốt họ trong lồng thì ông ấy (Obama) nói rằng, biến đổi khí hậu là đe dọa lớn nhất đối với chúng ta”. 

Ứng viên Jeb Bush nhận xét: “An toàn hơn ư? IS đang mạnh lên. Triều Tiên đang thử hạt nhân. Syria hỗn loạn. Taliban đang diễu hành. Tổng thống đang sống trong một thế giới khác”. 

Nữ ứng viên Carly Fiorina viết trên Facebook: “Dù ông ấy hùng biện như thế nào, người Mỹ biết rằng nền kinh tế của chúng ta đang trì trệ, vai trò lãnh đạo của chúng ta trên thế giới đang giảm đi, và từng bản sắc của đất nước chúng ta đang bị đe dọa”.

Tuy nhiên, thông điệp liên bang của Tổng thống Obama nhận được nhiều bình luận tích cực từ báo chí Mỹ. 

Bài bình luận trên New York Times viết: “Đó là lời nhắc nhở rằng, sự lạc quan đã giúp ông trở thành tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên và khả năng hồi phục đã giúp quốc gia chịu đựng được cuộc suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu 7 năm qua là những thứ giúp định vị tốt nhất cho tương lai”. 

Báo Los Angeles Times nhận định: “Trên lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chính sách đối ngoại, thậm chí ở những khía cạnh trong bầu không khí chính trị lưỡng đảng, Tổng thống đều cho thấy ông là người lạc quan, không nản chí”. 

Báo Washington Post viết: “Nhiều lời lẽ hùng biện say sưa của ông nhắc nhớ lại những sáng kiến vấp phải nhiều khó khăn để trụ vững trong thời kỳ ông nắm quyền, trong đó có những nỗ lực ban đầu của ông nhằm hàn gắn quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).