Thống đốc Virginia khốn đốn vì ảnh kỷ yếu kỳ thị chủng tộc

Thống đốc Virginia khốn đốn vì ảnh kỷ yếu kỳ thị chủng tộc
TPO - Ông Ralph Northam, Thống đốc bang Virginia, Mỹ, đã phải công khai xin lỗi trước công chúng vào thứ Sáu vừa qua (1/2), sau khi một bức ảnh kỷ yếu thời đại học của ông bị phát hiện có nội dung phân biệt chủng tộc.

Bức ảnh trên, được trang Virginia-Pilot đăng tải từ kho lưu trữ của thư viện Đại học y Đông  Virginia, chụp 1 người bôi đen mặt, được cho là Thống đốc Northam, đứng cạnh 1 người khác mặc trang phục của Ku Klux Klan, một tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng tại Mỹ.

Ở Mỹ, việc bôi đen mặt vẫn còn bị coi như một hành vi mang tính kỳ thị màu da, khi nó gợi nhớ đến những vở hát rong từ thế kỷ 19, trong đó các diễn viên da trắng thường bôi mỡ đen lên mặt nhằm giễu nhại các hoạt động hát hò, nhảy múa của những nô lệ da màu.

Phát biểu trước sự việc trên, Thống đốc Northam cho biết: "Tôi vô cùng xin lỗi về quyết định xuất hiện trong bức ảnh này, và những tổn thương mà quyết định trên đã gây ra từ lúc đó cho đến giờ." Dù vậy, ông Northam không tiết lộ mình là ai trong bức ảnh trên, đồng thời từ chối phản hồi những yêu cầu chi tiết về nó.

Thống đốc Northam, người mới nhậm chức được 1 năm, cho biết trong một video sau đó được đăng tải trên Twitter: "Tôi đã dành cả năm vừa qua, với tư cách một Thống đốc của các bạn, để phấn đấu vì một Virginia tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Tôi có trách nhiệm phải tiếp tục phấn đấu với quãng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của mình, để xứng đáng với những kỳ vọng của các bạn dành cho tôi sau khi đã đắc cử chức vụ Thống đốc bang."

Nhiều quan chức, đảng viên Dân chủ cấp cao đã kêu gọi ông Northam phải từ chức ngay. Trong số đó có 4 người gần đây đã được công bố là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, gồm các thượng nghị sĩ Kamala Harris, Cory Booker, Kirsten Gillibrand, và Julian Castro.

Thượng nghị sĩ Harris, có bố là người da màu gốc Jamaica và mẹ là người gốc Ấn Độ, cho biết trên Twitter: "Lãnh đạo được coi là người có phẩm chất cao hơn những người khác, và mọi hành vi phân biệt chủng tộc đều không thể có chỗ đứng trong Chính phủ."

Còn thượng nghị sĩ Castro, nguyên là Thị trưởng thành phố San Antonio, cháu ngoại của 1 người nhập cư Mexico, đã đăng tweet cho rằng "hành vi của Thống đốc Northam là phân biệt chủng tộc và thiếu tỉnh táo."

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người cũng vừa tuyên bố ra tranh cử Tổng thống vào năm 2020, đã bình luận về vụ việc này trên Twitter:

"Những hình ảnh mang tính phân biệt chủng tộc như thế này thật vô cùng ghê tởm. Sự thù ghét và phân biệt đối xử sẽ không có chỗ trong đất nước của chúng ta và sẽ không thể được dung thứ, đặc biệt nếu nó đến từ các nhà lãnh đạo của chúng ta, bất kể là đảng Cộng hoà hay Dân chủ. Northam phải từ chức."

NAACP, một tổ chức hàng đầu về quyền công dân, cũng đã kêu gọi thống đốc Northam phải từ chức. Nhóm những nhà lập pháp da màu của Virginia đã lên án hành vi của ông Northam trong một bài phát biểu đầy cay nghiệt, nhưng sau đó đã rút ngắn lại chỉ còn tuyên bố Thống đốc Northam nên sớm từ chức.

"Dù vẫn đang phải xem xét những gì mắt thấy tai nghe từ vị Thống đốc, nhưng chúng tôi không ngần ngại cho rằng những điều mới được tiết lộ thật sự đáng ghê tởm, đáng trách và đầy xúc phạm. Chúng tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị phản bội." Nhóm này cho biết.

Cả 2 thượng nghị sĩ của bang Virginia, Tim Kaine & Mark Warner, dù đều kịch liệt chỉ trích Thống đốc Northam, nhưng cho rằng ông không nên từ chức ngay, mà phải thể hiện nỗ lực thay đổi của mình.

Ông Ralph Northam, từng là một bác sĩ thần kinh khoa nhi, tốt nghiệp trường y Norfolk thuộc Học viện quân sự Virginia vào năm 1984. Cựu binh 59 tuổi này chính thức đắc cử chức Thống đốc bang Virginia, sau khi dành cả thập kỷ phục vụ trong cơ quan lập pháp của bang này với tư cách một thượng nghị sĩ.

Không chỉ có bức ảnh trên, cuốn kỷ yếu năm 1981 của Thống đốc Northam tại Học viện Quân sự Virginia còn gây sự phẫn nộ ngay từ mục mở đầu, khi trong mục tiểu sử của mình, ông Northam đã để biệt danh là "Coonman". Ở Mỹ, từ "coon" cũng là một tiếng lóng với hàm ý phân biệt chủng tộc

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG