Thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên vỗ mặt Trung Quốc

Triều Tiên hôm qua tuyên bố nước này vừa thử thành công bom nhiệt hạch. Ảnh: KCNA.
Triều Tiên hôm qua tuyên bố nước này vừa thử thành công bom nhiệt hạch. Ảnh: KCNA.
TP - CHDCND Triều Tiên hôm qua tuyên bố thực hiện thành công một vụ thử bom H (bom nhiệt hạch) dưới lòng đất. Giới quan sát cho rằng, đây thực sự là “cái tát” vào mặt Trung Quốc - đồng minh lâu đời của Triều Tiên.

Cách đây vài tháng, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên sau một thời gian lạnh nhạt. Bắc Kinh cử ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, sang Bình Nhưỡng dự cuộc diễu binh hoành tráng hồi tháng 10, đứng ngay cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tất cả đều cười tươi.

Nhưng dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước lại xấu đi là vụ ban nhạc nữ Triều Tiên bất ngờ hủy chương trình biểu diễn tại Bắc Kinh cách đây không lâu, ngay sau khi ông Kim Jong-un thông báo nước này đã phát triển đủ năng lực chế tạo bom nhiệt hạch.

Giới quan sát cho rằng, những vụ việc này cho thấy Triều Tiên không yếu và không dễ bị tổn thương trước áp lực từ Trung Quốc. Hoặc họ tính toán rằng, người Trung Quốc sẽ không làm đủ để tạo ra điều khác biệt, nhà báo Mike Chinoy, trưởng văn phòng CNN tại Bắc Kinh giai đoạn 1987-1995, tác giả của hai cuốn sách về Triều Tiên, nhận định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có quá nhiều việc phải làm. Đó là chiến dịch chống tham nhũng, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sự bất mãn trong nước và quan hệ căng thẳng với nhiều nước láng giềng và Mỹ. Rốt cuộc, Bắc Kinh có thể tính toán rằng, bất ổn ở Triều Tiên nguy hiểm hơn một Triều Tiên sở hữu bom, ông Chinoy nhận định.

Thử hạt nhân gây địa chấn

Ngày 6/1, báo Mỹ Washington Post dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc và là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng đã suy yếu.

“Có thể nói, đây là một sự phản đối Bắc Kinh. Họ (Triều Tiên) đang nói rằng: Chúng tôi có thể làm bất kỳ điều gì chúng tôi muốn. Điều này thể hiện chúng tôi độc lập và chúng tôi không cần các ông chấp thuận”, ông Bo Zhiyue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại ĐH Wellington, New Zealand, nhận xét.

Các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai gần, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên không đổ vỡ hoàn toàn, giống như việc Bình Nhưỡng sẽ chẳng từ bỏ chương trình hạt nhân đã trở thành trụ cột chính trong chính sách của họ.

“Bắc Kinh sẽ chịu áp lực lớn hơn ở trong nước và quốc tế về việc phải trừng phạt và chế ngự nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cuối cùng là buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân”, báo Anh The Guardian dẫn lời nhà phân tích Yanmei Xie, một chuyên gia về Trung Quốc trong Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế tại Bắc Kinh. “Nhưng có khả năng sẽ lặp lại điệp khúc lên án, thắt chặt trừng phạt và kêu gọi khôi phục đàm phán 6 bên”, bà Xie nói.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, những người dân nước này sống gần biên giới với Triều Tiên hôm qua được sơ tán sau khi cảm nhận rõ ràng những rung lắc mạnh từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Truyền hình Trung ương Trung Quốc, CCTV, đưa tin, các khu vực phải sơ tán dân gồm 3 quận Yanji, Hunchun và Changbai thuộc tỉnh Cát Lâm. Người dân ở Yanji cho biết, bàn ghế trong nhà họ bị rung lắc trong vài giây và một số công ty sơ tán nhân viên khỏi văn phòng. Một trường trung học phải giải tán học sinh đang làm bài kiểm tra sau khi khu sân chơi bị nứt.

Nghi ngờ bủa vây

Sau tuyên bố của Triều Tiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng, liệu quy mô vụ thử có đủ lớn để đạt đến mức bom nhiệt hạch.  Nhà phân tích Bruce Bennett làm việc tại tổ chức tư vấn chính sách phi chính phủ Rand Corporation (Mỹ) là một trong những người đầu tiên nghi ngờ vụ thử của Bình Nhưỡng.

“Tiếng nổ mà họ tạo ra đáng lẽ phải lớn hơn 10 lần mức họ tuyên bố. Vì thế, ông Kim Jong-un có thể đang nói dối, rằng họ tiến hành thử bom nhiệt hạch nhưng không phải, mà họ chỉ dùng một vũ khí phân hạch mạnh hơn một chút, hoặc có thể phần nhiệt hạch hay phân hạch trong vụ thử không hoạt động tốt lắm”, BBC dẫn lời ông Bennett.

Chính trị gia Hàn Quốc Lee Cheol-woo cho biết, ông nhận thông tin từ cơ quan tình báo nước này cho rằng vụ thử thiếu phần nổ nhiệt hạch, Korea Herald đưa tin. Dù Triều Tiên đưa ra nhiều tuyên bố, các chuyên gia quốc tế vẫn nghi ngờ nước này chưa đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp vừa tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước đã lên án việc Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch. Hàn Quốc gọi vụ thử là “sự khiêu khích nghiêm trọng”, nhưng cũng nói điều này khó tin.  Trung Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối” vụ thử, và rằng vụ thử diễn ra “bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế”.

Nhật Bản nói rằng, vụ thử là “mối đe dọa lớn” đối với an ninh quốc gia của họ. Mỹ tuyên bố sẽ “đáp trả tương xứng bất kỳ và tất cả hành động khiêu khích của Triều Tiên”. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp khẩn trong ngày 6/1 để thảo luận về vụ thử của Bình Nhưỡng.

Theo Theo BBC, Guardian
MỚI - NÓNG