Thù địch và chia rẽ ở Bolivia

Người ủng hộ ông Morales đổ về thủ đô La Paz. Ảnh: Reuters
Người ủng hộ ông Morales đổ về thủ đô La Paz. Ảnh: Reuters
TP - Ngày 13/11, các lực lượng an ninh Bolivia sử dụng đạn hơi cay nhằm giải tán người biểu tình ủng hộ cựu tổng thống Evo Morales trên đường phố thủ đô La Paz, trong khi đám đông tấn công lại bằng gạch đá.

Trong lúc ông Morales lưu vong cách đó hàng ngàn km ở Mexico sau khi từ chức hôm Chủ nhật vừa qua, nhiều người ủng hộ ông mang cờ và biểu ngữ tuần hành trên đường phố thủ đô, còn các nghị sỹ thuộc chính đảng của ông tìm cách “hất cẳng” bà Jeanine Anez, phó chủ tịch thượng viện, người tuyên bố là tổng thống lâm thời của Bolivia.

Bà Anez, 52 tuổi, nói bà muốn tổ chức bầu cử càng nhanh càng tốt và bác bỏ ý kiến cho rằng đã có một cuộc đảo chính chống nhà lãnh đạo cánh tả nay đã đi tị nạn chính trị ở Mexico. Ông Morales nói ông có thể sẽ quay về Bolivia.

Sau gần 14 năm cầm quyền, ông Morales phải từ chức vì sức ép từ các cuộc biểu tình và các cáo buộc dàn xếp kết quả bầu cử dẫn đến chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của ông hôm 20/10. Nhưng tại Mexico, ông nói vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh.

“Nếu nhân dân yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng quay về. Chúng tôi sẽ quay về sớm hay muộn… để mang lại hòa bình cho Bolivia”, ông nói tại một cuộc họp báo ở Mexico City, theo Reuters.

Bà Anez, người đã xem xét lại một số chính sách thời Morales, đang đối mặt với thách thức từ các nghị sỹ thuộc đảng Phong trào vì Chủ nghĩa xã hội (MAS) của ông Morales, những người chiếm đa số trong quốc hội và đã đe dọa thực hiện các bước nhằm vô hiệu hóa chức vụ tổng thống lâm thời của bà.

Bà Anez đã buộc phải tuyên bố mình là tổng thống sau khi các nhà lập pháp thuộc MAS tẩy chay lễ tuyên thệ của bà. Vì thế, bà Anez phải viện dẫn một điều khoản trong hiến pháp về thứ tự kế nhiệm sau khi tổng thống từ chức để tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời.

Nhưng những người trung thành với ông Morales nói động thái này là bất hợp pháp bởi quốc hội chưa chính thức chấp nhận việc từ chức của ông Morales và tìm cách tổ chức một hội nghị phản đối trong ngày thứ Tư. Một số lượng lớn cảnh sát ở thủ đô La Paz, theo Reuters, có vẻ đã chặn các nghị sỹ MAS, bao gồm cựu chủ tịch thượng viện Adriana Salvatierra, đi vào tòa nhà chính phủ. Bà Salvatierra đã từ chức nhưng thư từ chức của bà vẫn chưa được chính thức chấp nhận. “Tôi vẫn còn là nghị sỹ”, bà Salvatierra nói với các nhà báo.

Chia rẽ

Cảnh sát đã dùng đến đạn hơi cay để giải tán đám đông ở trung tâm thành phố sau khi hàng ngàn người ủng hộ ông Morales đổ vào La Paz từ khu vực El Alto lân cận. Nhiều người trong số họ, là những cư dân bản địa bị gạt ra lề xã hội, đã cảm nhận vị thế của họ gia tăng đáng kể trong thời gian ông Morales nắm quyền. Ông cũng là người gốc bản địa đầu tiên trở thành tổng thống Bolivia.

Trong các cuộc phỏng vấn với Reuters, người dân La Paz tỏ ra chia rẽ về bà Anez. “Bà ta không đại diện người dân, mà đại diện giới tinh hoa, giới có tiền, không phải dân nghèo”, người bán bánh mì Ruth Moscoso nói.

Một số người khác lại chào đón bà Anez và hy vọng việc bà này trở thành tổng thống lâm thời có thể mang lại bình yên sau nhiều tuần bất ổn.

Tại trụ sở chính phủ, nơi bà Anez sau đó giới thiệu các nhân vật chủ chốt trong nội các mới, bà nói đã lên kế hoạch tổ chức bầu cử “trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Trong hai ngày hỗn loạn cuối tuần qua, nhiều cảnh sát đã leo lên nóc trụ sở vẫy cờ hoặc gia nhập đoàn biểu tình. Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở ở Washington cáo buộc việc ông Morales tái cử là dàn dựng, và rồi quân đội thúc giục ông từ chức. Phản ứng từ quốc tế đối với việc ở Bolivia cũng chia rẽ.

Các chính phủ cánh tả coi đây là một cuộc đảo chính còn các nước khác lại chào đón nó.

Ông Morales thề tiếp tục đấu tranh chính trị. Ông lên án hoạt động hậu kiểm bầu cử của OAS và nói vụ việc ở Bolivia là một âm mưu chính trị của Mỹ.

“Bà ta không đại diện người dân, mà đại diện giới tinh hoa, giới có tiền, không phải dân nghèo”.
Người bán bánh mì Ruth Moscoso nói về tổng thống lâm thời Jeanine Anez

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.