Thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ thất bại

Thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ thất bại
Vụ bắn thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua châu Á và Trung Đông của Ấn Độ đã không thành công, Bộ Quốc phòng nước này cho biết.
Thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ thất bại ảnh 1
Một quả tên lửa Agni II của Ấn Độ. Ảnh: AP

Lúc đầu, một số quan chức trong chính quyền New Dehli thông báo rằng thử nghiệm đã thành công. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Pranab Mukherjee thừa nhận rằng tên lửa Agni III đã rơi xuống vịnh Bengal trước khi bay tới đích.

Sau thất bại trên, giới truyền thông Ấn Độ tiếp tục đưa tin một quả tên lửa đưa một vệ tinh nhân tạo có tên Insat 4C đã phát nổ ngay sau khi được phóng lên từ trung tâm vũ trụ Sriharikota, bang Andhra Pradesh, phá huỷ hoàn toàn vệ tinh.

Vụ thử tên lửa của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đang vận động quốc hội thông qua thoả thuận hạt nhân dân sự đã ký kết với Ấn Độ. Thoả thuận cho phép New Dehli tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân, và nhiều người lo ngại rằng nó sẽ phá hoại Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mặc dù việc chế tạo tên lửa không được đưa vào thoả thuận, song tướng Peter Pace, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã "bật đèn xanh" đối với kế hoạch thử tên lửa của New Dehli. Vụ thử đã bị hoãn lại tới hai năm do các vấn đề kỹ thuật và cũng là do Ấn Độ sợ bị cộng đồng quốc tế lên án.

Phần lớn tên lửa của Ấn Độ được chế tạo để đối đầu với nước láng giềng Pakistan. Nhưng Agni III được thiết kế để có thể tấn công những mục tiêu xa hơn và là tên lửa có tầm bắn xa nhất của quốc gia châu Á - có thể bay xa tới 3.040 km. Điều đó có nghĩa là nó có thể tấn công các thành phố lớn ở Trung Quốc và nhiều nơi ở tận Trung Đông. Người ta cũng cho rằng Agni III có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng 200-300 kiloton.

Ấn Độ và Trung Quốc ở trong tình trạng nghi ngờ lẫn nhau kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1962. Nhưng quan hệ giữa hai bên đã ấm đáng kể lên trong những năm gần đây khi hai nước lớn ở châu Á thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế.

Chương trình chế tạo tên lửa của Ấn Độ, cùng với chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và nỗ lực giành ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là một phần trong tham vọng trở thành một siêu cường của New Dehli.

Cho đến thời điểm này, Ấn Độ đã tự chế tạo được các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi, tên lửa tầm trung Akash, tên lửa chống tăng Nag. Ngoài ra, họ còn hợp tác với Nga để sản xuất tên lửa siêu thanh Brahmos.

Ấn Độ đã thông báo trước về kế hoạch bắn thử tên lửa cho Pakistan, theo một thoả thuận giữa hai nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Tasnim Aslam cho biết. Hai quốc gia láng giềng châu Á từng tiến hành 3 cuộc chiến tranh với nhau kể từ khi giành độc lập từ Anh và năm 1947.

Theo Việt Linh
Vnexpress/AP, Hindu

MỚI - NÓNG