Thủ tướng Anh có được ra đi trong danh dự?

Thủ tướng Anh có được ra đi trong danh dự?
Từng được tung hô khi dẫn dắt Công Đảng giành thắng lợi thứ ba liên tiếp trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, giờ đây Thủ tướng Tony Blair phải ra sức chèo lái để đưa con thuyền Công đảng, cũng như chính bản thân ông, ra khỏi bão tố.

Câu hỏi mà người ta quan tâm lúc này là: Chính xác là bao giờ thì Tony Blair sẽ rời khỏi căn nhà ở số 10 phố Downing, London để nhường chỗ cho Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown - đồng minh thân cận lâu năm và đôi khi cũng có thể gọi là đối thủ của ông.

Blair giờ đây đã trở thành thủ tướng ít được yêu mến nhất của Công đảng, kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, với tỷ lệ ủng hộ 26%.

Công đảng về thứ ba trong các cuộc bầu cử địa phương ngày 5/5 tại một số khu vực của Anh, đứng sau đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Bảo thủ sẽ đánh bại Công đảng nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay vào ngày 6/5, với tỷ lệ phiếu tương ứng là 37% và 31%.

Những con số như thế đã ám ảnh tâm trí của các nghị sĩ Công đảng. Đương nhiên là họ cảm thấy cần phải biết ơn Blair vì đã dẫn dắt đảng đến với quyền lực. Nhưng vào thời điểm này, sau những cuộc bầu cử địa phương và hàng loạt vụ tai tiếng của quan chức chính phủ, ngay cả những người ủng hộ Blair nhất cũng đang nghĩ rằng thời vận của ông đã hết từ lâu.

Cuối tuần trước, một số nhà lập pháp của Công đảng đã công khai yêu cầu Blair nhanh chóng ra đi. Ngay sau đó, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng phản đối, cho rằng thủ tướng cần tiếp tục tại nhiệm để đảm bảo sự đoàn kết trong đảng.

Tình trạng bất đồng nội bộ khiến Blair phải tuyên bố sẽ không giữ chức thủ tướng đến hết nhiệm kỳ. Thay vào đó, ông sẽ từ chức vào một thời điểm thích hợp trong năm 2007 để mở đường cho người kế nhiệm, hầu như chắc chắn là Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown, có cơ hội chứng tỏ khả năng trong cuộc tổng tuyển cử 2010.

Blair tìm cách dập tắt những vụ tai tiếng liên quan đến các quan chức cao cấp trong thời gian qua bằng cách cải tổ nội các. Ông thậm chí còn cách chức Ngoại trưởng Jack Straw, một đồng minh lâu năm của ông, như để nói: Tôi vẫn là người quyết định.

Trong cuộc họp với các nghị sĩ Công đảng, Blair tuyên bố ông sẽ ra đi nhưng không đưa ra thời điểm cụ thể.

John Denham, một nhà lập pháp có uy tín của Công đảng, đã yêu cầu thủ tướng lập ra một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm ả và khẳng định rằng "người dân muốn thấy những bằng chứng về việc đó".

Còn Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown - người cảm thấy rằng Blair đang tìm cách cản đường đi của mình trước khi rời bỏ chính trường - nhận thức rằng "phải hành động ngay bây giờ hoặc là không bao giờ nữa".

Trong hàng loạt buổi trả lời phỏng vấn với báo chí ngày 9/5, Brown cho rằng Blair cần phải đưa ra ngày tháng cụ thể cho việc từ chức. Ông thậm chí còn nêu ra trường hợp từ chức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của cựu thủ tướng Margaret Thatcher - người đã bị hất ra khỏi chiếc ghế quyền lực sau một bất đồng giữa các nghị sĩ đảng Bảo thủ.

Có nhiều nguyên nhân khiến uy tín của Blair sụt giảm nghiêm trọng, nhưng vấn đề khiến ông, và cả "người bạn lớn" George W. Bush bên kia Đại Tây Dương, bị chỉ trích nhiều nhất chính là cuộc chiến Iraq. Cuộc chiến khiến này người dân Anh cảm thấy thủ tướng của họ không trung thực khi "xào xáo" thông tin tình báo và phớt lờ những bằng chứng đầy mâu thuẫn để hợp lý hoá việc gây chiến với chính quyền của cựu tổng thống Saddam Hussein.

Chính phủ đương nhiệm cũng đang chao đảo bởi hàng loạt vụ tai tiếng của các quan chức. Phó Thủ tướng John Prescott bị tố cáo có quan hệ tình ái với thư ký riêng. Chồng của Bộ trưởng Văn hoá Tessa Jowell bị cáo buộc nhận tiền hối lộ từ thủ tướng sắp mãn nhiệm Silvio Berlusconi của Italy.

Bộ trưởng Nội vụ Charles Clarke buộc phải ra điều trần sau báo chí phát hiện ra rằng bộ của ông đã phớt lờ những lời cảnh báo rằng hơn 1.000 tù nhân nước ngoài nguy hiểm đã được thả ra, thay vì bị trục xuất khỏi lãnh thổ Anh, sau khi mãn hạn tù.

Một số nhân vật của Công đảng còn bị tố cáo là bán ghế tại thượng viện cho những người cho đảng vay hoặc đóng góp những khoản tiền lớn.

Phong cách lãnh đạo của Blair cũng đang là thứ chống lại ông. Dưới thời ông, Công đảng bị cho là chậm hiện đại hoá. Khi còn ông ở thời hoàng kim, điều này chẳng làm ai quan tâm.

Nhưng giờ đây, khi uy tín của đảng đã xuống đến mức thấp nhất, những nhà lập pháp từng bất mãn vì kiểu quản lý mà họ cho là "chặt chẽ và chuyên chế" của văn phòng thủ tướng đã có cơ hội trả thù. Nhiều nghị sĩ đang trút sự giận dữ của họ lên những cải cách của Blair.

Có thể lấy Bộ Y tế làm một ví dụ. Lúc Công đảng mới lên nắm quyền, bộ này được đầu tư rất nhiều tiền và kết quả là nhiều chỉ số y tế đã được cải thiện. Nhưng giờ đây, nhiều bệnh viện đang phải sa thải nhân viên vì họ đã chi tiêu quá nhiều. Nhiều bác sĩ và y tá cho rằng quản lý kém là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó.

Trong khi những khuyết tật của hệ thống y tế chưa được khắc phục, Blair lại chủ trương để các trường công lập có quyền tự chủ lớn hơn - điều mà các nhà lập pháp có tư tưởng truyền thống của Công đảng cho rằng, sẽ dẫn đến sự cách biệt quá lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường và làm tổn thương những học sinh thuộc tầng lớp thấp của xã hội.

Cuộc chiến giành quyền lực cũng như ảnh hưởng giữa Blair và Brown được giới phân tích chính trị ví như cuộc chiến giành sự sống của những nạn nhân trên con tàu Titanic huyền thoại. Mặc dù hai ông không có sự khác biệt sâu sắc đối với các chính sách, song những gì mà họ thể hiện ra ngoài chính là mâu thuẫn về tính cách.

Cả hai đã sát cánh bên nhau gần 20 năm để biến Công đảng trở thành một lực lượng đầy quyền lực. Hai ông tôn trọng và cần nhau, nhưng cũng cảm thấy mệt mỏi với "cuộc hôn nhân chính trị" bất đắc dĩ vốn trói chặt họ với nhau trong nhiều năm qua.

Sự tồn tại quá lâu của cuộc hôn nhân đó đã khiến Brown tin rằng chẳng sớm thì muộn ông cũng sẽ giành được vị trí lãnh đạo cao nhất, miễn là việc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm thấm và có kế hoạch. Nhưng những diễn biến của cuộc cải tổ nội các hồi tuần trước cho thấy, một quá trình chuyển giao như vậy có thể sẽ không diễn ra như người ta mong đợi.

Quy luật nghiệt ngã của hệ thống nghị viện Anh là: tất cả các vị trí đều phải kết thúc bằng một thất bại. Điều đó có nghĩa là nếu anh giữ được ghế càng lâu thì sẽ có càng nhiều người cảm thấy vui mừng khi anh ra đi.

Điều đó có nghĩa là Tony Blair, người đang muốn đánh bóng uy tín của mình bằng hàng loạt đạo luật cải cách, trước khi chuyển giao ngọn đuốc cho Brown, có thể sẽ không có được một sự ra đi trong danh dự như ông hằng mong đợi.

Theo Việt Linh
Vnexpress/Time

MỚI - NÓNG