Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (phải) cùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo duyệt đội danh dự Ảnh: Tân Hoa Xã
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (phải) cùng Thủ tướng Ôn Gia Bảo duyệt đội danh dự Ảnh: Tân Hoa Xã
TP - Hôm qua, thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tới Bắc Kinh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong hai ngày. Ông Noda sẽ hội kiến với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc. Chiều qua, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có cuộc hội đàm, theo Tân Hoa Xã.

> Lãnh đạo Nhật-Trung bàn gì về Triều Tiên?

Ông Noda là Thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền hồi năm 2009. Trong cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng nước chủ nhà, một trong những chủ đề được hai bên đề cập là tình hình bán đảo Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng Đông Á đang đối mặt với tình hình mới và đã đến lúc Nhật Bản phải trao đổi quan điểm với Trung Quốc, nước chủ trì vòng đàm phán sáu bên có liên quan đến bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản vốn đang bị ngưng trệ. Trong ngày hôm nay, ông Noda sẽ lần lượt hội kiến với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc.

Về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Yoshihiko Noda, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản viết trong một bài xã luận: “Cái chết của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nâng tầm quan trọng của cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Noda và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào”. Theo báo này, thế giới đang theo dõi chặt những động thái ngoại giao của Trung Quốc vì Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Bình Nhưỡng. Nhật Bản và Trung Quốc có quan điểm rất khác nhau về Bắc Triều Tiên nhưng hai nước có “lợi ích chung” trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên. Đây (chuyến thăm Trung Quốc) cũng là cơ hội lớn để chính phủ Nhật Bản đưa ra một thông điệp rõ ràng nhằm thúc giục Bắc Triều Tiên “có những thay đổi tích cực”.

Một cuộc gặp vào lúc năm cùng tháng tận giữa hai lãnh đạo quốc gia là điều không thường thấy, tờ báo nhận định. Điều này, theo Asahi Shimbun, cho thấy cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có mong muốn tiếp tục các chuyến thăm viếng lẫn nhau thường niên, bắt đầu từ năm 2006 khi Thủ tướng Nhật lúc đó là Shinzo Abe tới thăm Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng, lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trao đổi tìm biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng mà cụ thể là khả năng về một hiệp định cùng nghiên cứu, khai thác khí gas ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. Tokyo và Bắc Kinh từng đạt được tiến bộ trong việc hàn gắn quan hệ song phương vốn xấu đi nghiêm trọng khi một tàu cá của Trung Quốc đụng độ với một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào mùa thu năm ngoái.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng có bình luận về chuyến thăm của thủ tướng Nhật Bản. Với tựa đề Chuyến thăm của ông Noda là cơ hội củng cố niềm tin Trung Quốc-Nhật Bản, hãng thông tấn Trung ương Trung Quốc nhận định: “Đối với Nhật Bản, Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh. Đó là một đối tác, là thị trường khổng lồ cho xe hơi, truyện tranh và đồ gia dụng cao cấp của Nhật Bản”. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Thương mại hai chiều đạt con số 300 tỷ USD trong năm 2010, tăng hơn 30% so với năm trước đó.

Nhật Bản, trong khi đó, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 ở Trung Quốc khi cho đến nay đã đầu tư hơn 77 tỷ USD vào nước này.

Theo Tân Hoa Xã, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những nước có tiếng nói trên trường quốc tế nên “quan hệ giữa hai nước nên vượt qua ranh giới song phương”. Hai bên cần thúc đẩy hợp tác với những cơ chế đa biên như ASEAN, APEC nhằm củng cố hòa bình khu vực và thế giới, ổn định và thịnh vượng. Bài của Tân Hoa Xã không nhắc gì đến những căng thẳng trên biển diễn ra gần đây giữa hai nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.