Thủ tướng Thái Lan bị phế truất về tội gì?

Ông Niwatthamrong Boonsongpaisarn (phải) được chỉ định thay thế bà Yingluck Shinawatra (trái) làm thủ tướng lâm thời Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Ông Niwatthamrong Boonsongpaisarn (phải) được chỉ định thay thế bà Yingluck Shinawatra (trái) làm thủ tướng lâm thời Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
TP - Ngày 7/5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan quyết định phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đồng thời bãi chức 9 bộ trưởng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisarn được chỉ định làm Thủ tướng thay thế bà Yingluck.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị buộc tội lạm quyền vì đã thuyên chuyển lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Thawil Pliensri vào năm 2011 khi lên nắm quyền. Thay thế vị trí của ông Thawil là Cảnh sát trưởng quốc gia Wichien Podposri. Ghế Cảnh sát trưởng quốc gia được trao cho ông Priewpan Damapong - em trai của vợ cũ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Theo báo Thái Lan The Nation, Tòa án Hiến pháp khẳng định bà Yingluck lạm quyền khi thuyên chuyển quan chức, phán quyết việc thuyên chuyển này là bất thường, phạm pháp, vi hiến và vô đạo đức.

“Tư cách thủ tướng đã chấm dứt, bà Yingluck không thể tại vị lâu hơn nữa ở vị trí thủ tướng”, thẩm phán tuyên bố và được truyền hình trực tiếp. Bà Yingluck bị kết tội che giấu việc thuyên chuyển và mưu đồ trục lợi cho người thân. Tòa kết luận, với việc đưa người nhà vào vị trí cảnh sát trưởng quốc gia, bà Yingluck đã gây ra xung đột lợi ích. Tòa cũng tuyên phục chức cho ông Thawil.

Bà Yingluck bào chữa rằng, khi ra quyết định thuyên chuyển, bà đã tham khảo ý kiến của các bộ trưởng.

Giới phân tích nhận định, chắc chắn việc phế truất Thủ tướng Yingluck sẽ lại thổi bùng biểu tình đường phố. Bạo lực nổ ra từ khi phe đối lập xuống đường đòi bà Yingluck từ chức đã khiến ít nhất 25 người chết, hàng trăm người bị thương.

Tòa Hiến pháp phán quyết, bà Yingluck cùng 9 phó thủ tướng và bộ trưởng (gồm các ông Surapong Tovichakchaikul, Chalerm Yubamrung, Kittiratt Na-Ranong, Santi Prompat, Anudith Nakornthap, Siriwat Kachornprasart, Pracha Promnok, Yutthasak Sasriprapa và Plodprasop Suraswadi) tham gia việc thuyên chuyển ông Thawil, nên bị phế truất khỏi chức vụ trong chính phủ.

Những bộ trưởng khác không can dự vụ việc vẫn được tại vị, nội các hiện hành có thể tiếp tục thực thi nhiệm vụ cho tới khi chính phủ mới được thành lập.

Chỉ định thủ tướng mới

Theo Bangkok Post, tính đến khi bị phế truất, nữ Thủ tướng tại vị được 2 năm 8 tháng 7 ngày. Ngay sau khi tòa phế truất nữ Thủ tướng Yingluck, các thành viên nội các tổ chức cuộc họp chiều 7/5 và nhất trí đề cử Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisarn làm Thủ tướng tạm quyền.

Cuộc họp cũng thống nhất tiến hành kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử mới. Cuộc bầu cử ngày 2/2 đã bị Tòa án Thái Lan hủy bỏ, trong khi cuộc tổng tuyển cử mới dự kiến được tổ chức ngày 20/7.

Họp báo sau khi bị cách chức, bà Yingluck phủ nhận mọi cáo buộc, tuyên bố không lạm dụng quyền lực và việc thuyên chuyển các công chức nhà nước là hoàn toàn đúng luật và hợp pháp. Bà nói bà không làm gì sai trong việc thuyên chuyển ông Thawil. Nữ chính khách tuyên bố, kể từ khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc vương Thái Lan, bà đã luôn hành động liêm chính và nỗ lực hoàn thành tốt chức trách.

Báo Le Monde (Pháp) nhận định, việc bãi chức Thủ tướng Yingluck được xem là một cuộc “đảo chính tư pháp” đã được báo trước, có nguy cơ tiếp tục nhấn Thái Lan chìm sâu thêm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối năm 2013. Giới tư pháp Thái Lan vốn đứng về phe bảo hoàng và không ưa gì gia đình nhà Shinawatra.

Sau khi Thủ tướng Thaksin bị đảo chính lật đổ năm 2006, giờ đến lượt em gái ông là bà Yingluck bị bãi chức. Phe “áo đỏ” ủng hộ gia đình Shinawatra tố cáo giới tư pháp ủng hộ phe đối lập, đã chuẩn bị một cuộc “đảo chính tư pháp”. Trước đó, nữ Thủ tướng Yingluck bị Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc tội lơ là nhiệm vụ trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân.

MỚI - NÓNG