Thực chất hoạt động du lịch của Trung Quốc ở Hoàng Sa

Tàu Coconut Princess vừa khởi hành từ thành phố Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Sina
Tàu Coconut Princess vừa khởi hành từ thành phố Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Sina
TP - Báo chí Trung Quốc chỉ tập trung vào khía cạnh du lịch của hoạt động này, nhưng các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận mục đích chính trị đằng sau đó. 

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa du khách ra Hoàng Sa 

Trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển khởi hành từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua tuyên bố: “Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”. 

Trả lời câu hỏi của báo giới về phản ứng của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc cũng như tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông và khu vực”.

Trước đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua đưa tin, hãng vận hành tuyến tàu du lịch ra quần đảo Hoàng Sa vừa thay đổi hành trình để rút ngắn khoảng cách. Theo Xinhua, kể từ khi tuyến du lịch này được mở từ tháng 4/2013, Cty Vận tải biển Eo biển Hải Nam (Hainan Strait Shipping) đã đưa 3.000 khách du lịch từ đảo Hải Nam ra Hoàng Sa. Hiện mới chỉ có tàu Coconut Princess hoạt động trên tuyến đường này với tần suất mỗi tháng hoặc hai tháng một lần, và mất 20 giờ để ra được Hoàng Sa. 

Bắt đầu từ thứ Ba vừa qua, Hainan Strait Shipping cho tàu Coconut Princess xuất phát từ thành phố Tam Á và chỉ mất 12 giờ để đến Hoàng Sa. Du khách ra thăm bãi Xà Cừ, đảo Ốc Hoa, đảo Ba Ba và tại đó, họ có thể “chơi bóng chuyền, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới”, Xinhua đưa tin.

Thực chất của hoạt động du lịch

Báo chí Trung Quốc chỉ tập trung vào khía cạnh du lịch của hoạt động này, nhưng các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận mục đích chính trị đằng sau đó. 

Bài phân tích trên tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản) cho rằng, việc duy trì các chuyến du lịch thường xuyên tới Hoàng Sa sẽ giúp Trung Quốc củng cố kiểm soát hành chính trên khu vực này.

Các tàu du lịch phục vụ thức ăn và nơi ở cho khách du lịch, giúp Trung Quốc đưa những nhóm đông người đến đây mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng đủ lớn để phục vụ. 

Theo The Diplomat, du lịch kết hợp đánh bắt hải sản và khoan dầu được coi là phương thức rất kinh tế để dần kiểm soát các khu vực tranh chấp và mang lại lợi ích kinh tế cho Trung Quốc.

Hơn nữa, sự hiện diện của các tàu du lịch tạo điều kiện để Trung Quốc dùng các tàu phi quân sự để tuần tra trong khu vực tranh chấp. Trung Quốc thường thích dùng tàu của lực lượng tuần tra biển hoặc tàu cá trong khu vực nước này tuyên bố chủ quyền, vì tàu du lịch và các tàu dân sự không có vũ trang khác ít khi bị các nước liên quan ngăn cản.

Khi Trung Quốc bắt đầu mở tuyến đường du lịch này vào năm ngoái, Việt Nam đã phản đối quyết liệt, nhưng Bắc Kinh khăng khăng cho rằng, các hoạt động du lịch ở vùng này không gây ra điều gì đáng lo ngại cho bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, những du khách của hành trình đầu tiên ra Hoàng Sa đều là công dân đại lục. 

Những người mang hộ chiếu nước ngoài, thậm chí người Hong Kong và Macao thuộc Trung Quốc đều bị từ chối không một lời giải thích, báo quốc tế International New York Times (trụ sở chính ở Pháp) đưa tin.

Ngoài ra, chuyến đi đầu tiên với 200 hành khách đều là quan chức chính phủ chứ không phải khách du lịch thực sự, tờ báo này nhấn mạnh. Bài viết của Xinhua cho rằng, các chương trình du lịch chính thức sẵn có ở khu vực này sẽ giúp giảm bớt “các tour không phép và có khả năng gây nguy hiểm cho du khách”. 

Trên thực tế, nếu không có các tour chính thức, hiếm khi có người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành nào từ Trung Quốc tự tìm đường ra quần đảo Hoàng Sa để mạo hiểm mạng sống của chính họ, bài viết của The Diplomat nhận định.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.