Ngoại trưởng Mỹ thăm châu Á:

Thúc đẩy hạ nhiệt trên biển Đông

Dự kiến, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình trên biển Đông (Trong ảnh: Trung Quốc xây dựng đường băng trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) Ảnh: CSIS
Dự kiến, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình trên biển Đông (Trong ảnh: Trung Quốc xây dựng đường băng trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) Ảnh: CSIS
TP - Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Lào, Campuchia và Trung Quốc nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp biển ngày càng căng thẳng ở châu Á và vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua kết thúc chuyến đi Ảrập Xêút, bắt đầu sang Đông Á, chuyển trọng tâm của chuyến công du vòng quanh thế giới bắt đầu từ Thụy Sĩ với tâm điểm là vấn đề Trung Đông, đặc biệt là Iran và nỗ lực nhằm chấm dứt nội chiến Syria.

Tăng cường đoàn kết ASEAN

Chặng dừng chân đầu tiên ở Đông Á của ông Kerry là Lào, nước đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN năm nay, trong bối cảnh các thành viên của khối ngày càng thể hiện quan ngại nhiều hơn trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông và trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón các lãnh đạo ASEAN tại bang California vào tháng tới. Trước cuộc gặp thượng đỉnh này, giới chức Mỹ cho biết, ông Kerry sẽ kêu gọi lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN thể hiện quan điểm đoàn kết trong việc xử lý vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, khi Bắc Kinh tiếp tục xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và đường băng ở khu vực tranh chấp, hãng tin Mỹ AP đưa tin.

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông, ASEAN không phải lúc nào cũng đoàn kết, nhất là khi Trung Quốc đang tìm cách tác động vào một số nước thành viên của khối. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tháp tùng ông Kerry sang châu Á nói Mỹ đã nghe từ các lãnh đạo khu vực rằng, việc ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung năm 2012 “để lại vết ố cho ASEAN và không được phép lặp lại”. Quan chức này nói rằng, Mỹ tin Lào sẽ làm tốt hơn trong việc cân bằng lợi ích của ASEAN với Trung Quốc.

Những diễn biến gần đây trên biển Đông, như việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng tranh chấp và cảnh báo những máy bay đi vào vùng trời mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, làm gia tăng mức độ quan ngại trong khu vực. Một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nhận định, một cường quốc bên ngoài như Trung Quốc sẽ rất khó thao túng bất kỳ thành viên nào của ASEAN nhằm làm cho cả khối tê liệt.

Ông Kerry là ngoại trưởng thứ hai của Mỹ thăm Lào kể từ năm 1955. Trước đó, bà Hillary Clinton thăm Lào năm 2012 khi còn là Ngoại trưởng. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Lào trong nửa cuối năm nay. Lào là nước hứng chịu nhiều bom đạn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và vẫn còn nhiều bom mìn chưa nổ ở khu vực nông thôn. Chính quyền Mỹ gần đây tăng cường giúp Lào xử lý bom mìn. Dự kiến, trong chuyến thăm, ông Kerry tuyên bố mở rộng các chương trình xử lý bom mìn mà Tổng thống Obama sẽ thông báo chi tiết trong chuyến thăm sắp tới, giới chức ngoại giao Mỹ cho biết.

Tại Campuchia, dự kiến, Ngoại trưởng Kerry không chỉ gặp lãnh đạo nước này mà còn gặp đại diện đảng đối lập có lãnh đạo đang tị nạn chính trị ở nước ngoài.

Vấn đề Triều Tiên

Chặng dừng chân cuối trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ sẽ là Bắc Kinh, nơi ông Kerry sẽ tiếp tục thể hiện quan ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc có thêm bước đi nhằm thúc ép CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1. Washington cho rằng, Bắc Kinh cần dùng ảnh hưởng của họ để yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ và trở lại bàn đàm phán 6 bên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng, Mỹ tin áp lực Trung Quốc đối với Triều Tiên đến nay vẫn chưa đủ để thay đổi tính toán của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và điều quan trọng là Trung Quốc phải cùng với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tạo thành mặt trận thống nhất, kiên quyết trong vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Hàn Quốc hôm qua nhất trí cùng hợp tác hướng tới việc tổ chức đàm phán 5 bên với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga liên quan chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Dự kiến, ông Kerry tới Bắc Kinh hôm 27/1, đề nghị Trung Quốc hợp tác để thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Kyodo đưa tin.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc hôm 23/1 nói rằng, tháng sau, Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 trên bán đảo Triều Tiên, KBS đưa tin. Tàu ngầm hạt nhận và tàu sân bay Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ “Giải pháp then chốt” vào đầu tháng 3.

Hai tàu hải cảnh khổng lồ đe dọa khu vực

Với việc triển khai 2 tàu hải cảnh thuộc hàng lớn nhất thế giới, tàu Hải cảnh 2901 và Hải cảnh 3901 có lượng giãn nước 10.000 tấn, Trung Quốc có thể đe dọa khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, Asian Sentinel đưa tin hôm qua. Hiện nay, tàu tuần duyên lớn nhất của Nhật Bản, Shikishima, có lượng giãn nước 6.500 tấn. Lâu nay, Trung Quốc thường sử dụng chiến thuật “đâm, va” tại các vùng tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông. Trước đó, People’s Daily (Trung Quốc) đưa tin, hai tàu hải cảnh khổng lồ của nước này có thể dễ dàng đâm chìm tàu có lượng giãn nước 9.000 tấn.

MỚI - NÓNG