Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Thúc đẩy ký kết, phê chuẩn, thực thi TPP

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ngoài cùng, bên phải) và lãnh đạo 11 quốc gia tham gia TPP chụp ảnh chung tại phiên họp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC ngày 18/11. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ngoài cùng, bên phải) và lãnh đạo 11 quốc gia tham gia TPP chụp ảnh chung tại phiên họp bên lề Hội nghị Cấp cao APEC ngày 18/11. Ảnh: TTXVN
TP - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm qua đề nghị các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi hiệp định.

Chiều 18/11 tại Philippines, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo của 12 quốc gia thành viên TPP. Đây là lần gặp lại nhau đầu tiên từ khi đàm phán TPP kết thúc tại Mỹ hồi tháng 10.

Tổng thống Mỹ: Không dễ đưa TPP vào thực tế

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận việc thực hiện giai đoạn cuối cùng nhằm đưa TPP vào thực tế không phải dễ dàng, dù đây là thỏa thuận tốt về kinh tế. “Nó không chỉ là thỏa thuận tốt cho kinh tế mà còn phản ánh những giá trị chung của chúng ta”, ông Obama nói. “TPP là trung tâm của tầm nhìn chung của chúng ta về tương lai của khu vực năng động này”, AP dẫn lời Tổng thống Mỹ. Trong các phát biểu tiếp đó, lãnh đạo các nước thành viên TPP khẳng định cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn và sớm thực thi TPP để người tiêu dùng, người lao động, nông dân và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên có thể hiện thực hóa các lợi ích chung mà hiệp định mang lại.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoàn tất TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước cho rằng, việc thực thi TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với các thành viên đang phát triển. Đồng thời, đề nghị các thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi TPP theo đúng lộ trình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng đến thực tiễn và sự đa dạng về trình độ phát triển của các nước TPP, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi để bảo đảm người dân ở các quốc gia thành viên đang phát triển có thể được hưởng lợi từ hiệp định. Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc TPP ngày càng nhận được sự quan tâm của các đối tác ở khu vực là tiền đề thuận lợi hướng tới việc hình thành Khu vực Thương mại Tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương, góp phần làm gia tăng tính hấp dẫn và ý nghĩa của hiệp định đối với tiến trình liên kết khu vực trong giai đoạn mới.

Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 quốc gia thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước để sớm đưa TPP đi vào thực thi.

Trung Quốc thúc đẩy RCEP

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp trước Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 23 tại Manila, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục các nền kinh tế châu Á tham gia một thỏa thuận thương mại tự do có mặt Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo, những thỏa thuận khác có thể gây ra “phân khúc” giữa các nước trong khu vực, Xinhua đưa tin hôm qua. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang muốn thúc đẩy tầm nhìn riêng của họ về tự do thương mại cho một khu vực đông dân và năng động. TPP được coi là một nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ trong khu vực. Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand).

Không đề cập vấn đề biển Đông trong bài phát biểu của mình, nhưng ông Tập kêu gọi các quốc gia Thái Bình Dương “giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại và thương lượng”, Channel News Asia đưa tin.

Việt Nam nỗ lực vì tăng trưởng đồng đều

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, chiều 18/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Manila. Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với các thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) diễn ra ngay sau đó. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng New Zealand John Key, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla và Trưởng đại diện Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đồng chủ trì một nhóm đối thoại với các doanh nghiệp thành viên ABAC. Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp tập trung thảo luận biện pháp tăng cường đối tác công - tư nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm và phát triển dịch vụ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện thành công các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh những nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam để bảo đảm tăng trưởng đồng đều cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng trong chiều 18/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Đối thoại không chính thức lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC với Liên minh Thái Bình Dương, gồm bốn nền kinh tế Mỹ La-tinh là Peru, Mexico, Chile và Colombia. Đối thoại được tổ chức theo sáng kiến của chủ nhà Philippines. Phát biểu tại Đối thoại, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp hiệu quả với các cơ chế đa phương khác, trong đó có Liên minh Thái Bình Dương và Cộng đồng ASEAN.

Chiều 18/11, Hội nghị Cấp cao APEC 23 khai mạc tại Manila. Với chủ đề “Xây dựng các nền kinh tế đa diện, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, hội nghị tập trung vào 4 vấn đề: tăng cường chương trình nghị sự về hội nhập kinh tế khu vực, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các thị trường khu vực và toàn cầu, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và xây dựng các cộng đồng bền vững.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 18/11, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Manila, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có các cuộc gặp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Peru Ollanta Humala, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lương Chấn Anh.

Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng trái phép trên biển Đông

Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino; hai bên nhất trí rằng, cần có các bước đi mạnh mẽ nhằm giảm căng thẳng, như cam kết ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, ngừng quân sự hóa tại khu vực tranh chấp trên biển Đông, Philstar đưa tin ngày 18/11. Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên biển Đông. Ông Obama cũng nhấn mạnh rằng, cần giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.