Thuế vụ: Bài học từ Hi Lạp!

Thuế vụ: Bài học từ Hi Lạp!
Kinh nghiệm phá sản của Hi Lạp rất đa dạng, trong đó nổi bật công thức “ba ăn chia” giữa nhân viên sở thuế với người chịu thuế và những mảnh vụn còn sót lại nộp cho ngân sách. Có lẽ đây là một kinh nghiệm rất đáng lưu ý nhân mùa “nói thật” với cơ quan thuế.

Nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy:

1. Ngân sách Hi Lạp cứ thâm hụt suốt, năm ngoái thâm hụt đến 13%, bình quân năm năm trước hụt 6,5%/năm, tương đương 8% GDP.

2. Nếu công chức Hi Lạp “sạch” cỡ Thụy Điển, Hà Lan thì ngân sách sẽ bội thu suốt thập niên qua.

Một giả thuyết vô cùng không tưởng! Do lẽ công chức Hi Lạp sao bì với công chức Thụy Điển về mặt liêm chính nổi! “Thương hiệu quốc gia”, điều đang được nhắc đến một cách thời thượng, phải được bắt đầu từ sự liêm chính của công chức cửa khẩu, sân bay...

3. Nếu công chức Hi Lạp “ăn vừa vừa thôi” cỡ Tây Ban Nha - nước tiếp theo trong danh sách sắp vỡ nợ ở châu Âu thì thâm hụt ngân sách sẽ chỉ còn tương đương 4% GDP, tức phân nửa hiện nay.

Lại một giả định không thật! Không thật ở chỗ làm sao có thể giảm thâm hụt ngân sách được khi chính phủ còn chưa thực tâm thắt lưng buộc bụng, chưa khóa chặt các “vòi” chi tiêu “lãng mạn”! Nỗi bất hạnh vỡ nợ đến bán đền đài của Hi Lạp ở chỗ: vì sao chi tiêu của nhà nước cứ hoang phí, trong khi thuế thu vào cứ èo uột? Bất hạnh còn ở chỗ: cho dù có khóa “vòi ra”, mà “vòi vào” vẫn cứ hiếm nước như thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong thì ngân sách vẫn cứ âm và âm!

Đương kim Thủ tướng Hi Lạp Papandreou, người còn được biết đến như là chủ tịch phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế, nhậm chức năm ngoái để “đổ vỏ” cho người tiền nhiệm cánh hữu Caranmalis, đã mạnh dạn “bắt mạch” đất nước mình như sau: “Vấn đề cơ bản của chúng ta là có tính hệ thống. Đó là tình trạng buông thả, không ai trừng phạt ai”.

Chính vì thế mà hình thành, tồn tại và dung dưỡng cho cái tỉ lệ “chia ba” bất thành văn: một phần thuế thu dành cho nhân viên thuế nói riêng (hay công chức nói chung), một phần cho người dân chịu thuế, phần còn lại cho ngân sách.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Hi Lạp. Ở nơi khác có khi công thức ấy là “cưa đôi”, bất kể là ngân sách cứ “há mõm táp ruồi” đi nữa! Nếu nhìn hiện tượng này trong góc độ tài chính công, như GS Stavros của Đại học Ionian (Hi Lạp) thì vấn đề không đơn giản là “chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi”, mà là “khi thu ngân sách của nhà nước càng thấp thì số lượng và chất lượng các phúc lợi xã hội cho dân chúng càng bị cắt giảm”.

Trong công trình nghiên cứu của mình về nền kinh tế ngầm của Hi Lạp, GS Stavros không chỉ bắt “bệnh” của Hi Lạp mà còn cả của các nước Đông Âu cũ. Và ông kết luận như sau về “bệnh nhân Ukraine”: “Khi doanh nhân hối lộ thì họ thôi đóng thuế! Chính vì thế nền kinh tế ngầm ở Ukraine mới chiếm đến 60% kinh tế quốc dân”.

Cuộc cách mạng “cam” của Ukraine vì thế mà nhanh chóng tan như mây khói. Một chính phủ mới được bầu lên, và mới đây để có thể mua khí đốt với giá ưu đãi mùa đông, chính phủ mới này đã phải cắn răng gia hạn cho thuê căn cứ hải quân trên biển Đen vài chục năm nữa.

Khai thông đầu vào, vặn bớt đầu ra, điều này đòi hỏi một quyết tâm từ hai phía là thu và chi.

Theo Danh Đức
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".