“Thược dược đen” - Một trong những chấn thương xót xa nhất của thế kỷ XX

“Thược dược đen” - Một trong những chấn thương xót xa nhất của thế kỷ XX
TPCN - Sáng sớm ngày 15 tháng Giêng 1947, một người mẹ trẻ cho đứa con gái nhỏ dạo chơi quanh một bãi đất hoang ở Crenchaw, Los Angeles. Chị phát hiện xác một cô gái bị giết, vội báo cho cảnh sát.

Đến hiện trường, các nhân viên cảnh sát đầu tiên thấy xác chết được đặt gần đường, chắc chắn để người ta mau nhận ra nó. Dấu hiệu lạ: xác bị cưa đôi ngang lưng, hai phần hơi lệch chút đỉnh.

Nạn nhân chỉ còn là một vết thương khổng lồ: tứ chi, thân mình, mặt đều đã phù lên với rất nhiều mảng thịt bị xẻo ở mọi chỗ. Tên sát nhân đã rạch hai bên mép tới tận mang tai, khiến cô gái như cười gượng gạo. Hai cổ tay và mắt cá chân có vết bị trói. Ngực bị rạch nát và lẩy đi nhiều mảnh. Hai tay gập lại như ôm lấy đầu, làm tăng vẻ rùng rợn.

Việc giải phẫu xác chết cho thấy nạn nhân đã bị hãm hiếp, bị đánh đập nhiều lần bằng gậy bóng chày. Cô đồng thời phải chịu những ngược đãi kinh khủng nhất, phải nuốt rác rưởi và nhiều thứ nhơ bẩn.

Bác sỹ giám định kết luận rằng cô chết vì ngạt thở và xuất huyết sau khi bị rạch mép và chấn thương mạnh ở sọ não. Lạ lùng hơn là xác cô được lau rửa rất cẩn thận.

Tóc cô vẫn còn ướt, khi cảnh sát tới...Sửng sốt hơn là trên xác nạn nhân có mấy chữ viết bằng son đỏ tô môi: “BD AVENGER” (Người trả thù Black dahlia - Thược dược đen).

Như vậy biệt danh của cô gái là Thược dược đen. Cô được xác định là Elyzabeth Short, luôn mặc đồ đen, mái tóc luôn nhuộm đen, bao giờ cũng cài một bông hoa thược dược. Sinh 1924 ở Hyde Park, bang Massachusetts, cô sớm phải chịu cảnh bố mẹ bỏ nhau.

Cô ở lại với mẹ. Cô xem rất nhiều phim, toàn phim lâm ly, phim cao bồi miền Tây và phim ca nhạc nhí nhảnh. Cô lớn lên  giữa thời suy thoái kinh tế. Cô xinh đẹp, mắt lơ, môi luôn ẩn hiện nụ cười quyến rũ. Cô lại dễ hoà hợp, dễ gần.

Cho nên, cô mơ ước trở thành diễn viên điện ảnh. Năm 19 tuổi, cô đến với cha ở Vallégo, bang California. Cha cô mở một hàng ăn, miễn cưỡng nhận cô và buộc cô làm việc quá cực nhọc.

Elizabeth bèn ra sống tự lập, với nhiều tên gọi khác nhau. Ngoài Elizabeth Short, cô còn là Liz, Beth, Betty. Mỗi tên ứng với một gốc gác và lý lịch riêng. Chuyện này sẽ gây ra những hậu quả nặng nề. Điều chắc chắn là cô phải thuê ở chung nhà với các bạn gái cùng cảnh.

Cô đi về rất nhiều và thường tìm cách giấu sự có mặt của mình ở nhà để đỡ tiền trọ. Từ việc đó, báo chí suy diễn: nào là cô phải làm điếm, nào là cô đồng tính luyến ái, nào cô là  gái bao, thậm chí cô “tằng tịu” với Norma Jean bấy giờ chưa là Marylin Moonroe...

Một điều chắc chắn nữa là cô âm thầm đau khổ vì mối tình dang dở với một phi công tử nạn ở châu á, trước khi cô đến California. ở Los Angeles, cô giao du rất rộng, chủ yếu là với giới quân nhân mà cô luôn tự nhận là goá phụ. Khát khao trở thành diễn viên vẫn nung nấu trong lòng...

Con vạch mặt cha, hung thủ vẫn không lộ mặt!

Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng hung thủ vẫn không lộ mặt, dù việc điều tra vẫn được tiếp tục tiến hành. Năm 2003, cuốn sách Vụ Bông Thược dược đen của Steve Hodel, chuyên gia cảnh sát về án mạng đã nghỉ hưu, làm mọi người choáng váng.

Năm 1999, bác sỹ George Hill Hodel, cha của Steve, qua đời ở tuổi 91.Steve Hodel bất ngờ phát hiện được hai tấm ảnh Elizabeth Short trong một bộ ảnh của cha, nên điều tra ngược trở lại. George là bác sỹ giải phẫu, thông minh hơn người, lại tài hoa và giỏi kiếm tiền, nên nổi lên là một ông trùm ở Los Angeles.

Ông được Hollywood nể trọng và chơi thân nhất với đạo diễn điện ảnh gạo cội John Huston và nhiếp ảnh gia lừng lẫy Man Ray. Những cuộc vui diễn ra thường xuyên ở nhà ông.

Vào một giờ nhất định, ba người bạn lui vào một căn phòng bí mật, để thoải mái xem các bức ảnh khiêu dâm, các bức tượng đậm chất nhục thể mà George thu thập trong thời gian làm việc ở châu á, rồi hút loại thuốc phiện gây ảo giác.

Cuộc chơi mê mẩn và nguy hiểm ấy phải dừng lại đầu năm 1949. Chị gái Taman của Steve Hodel bấy giờ 14 tuổi kiện cha về tội lạm dụng tình dục chị trong các cuộc vui ở căn phòng kín. Điều tra chóng vánh, xét xử chóng vánh, người cha được tuyên không phạm tội.

Taman bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì tội “bịa chuyện”. Cha mẹ bỏ nhau. Một năm sau, George rời Hoa Kỳ với một tài sản lớn, sang định cư ở Philippines, lấy một cô gái sở tại làm vợ, kinh doanh phát đạt, và vẫn đi lại Hoa Kỳ...

Do Taman phải nạo thai, viên cảnh sát tư pháp của Los Angeles - độc lập với cảnh sát thành phố này - khám phá ra một đường dây chuyên nạo phá thai “chui” mà nhất định bác sỹ George Hodel có liên quan. Nhưng cảnh sát điều tra gạt ngay vị kia và ỉm chuyện này đi.

Luật rừng ngang nhiên hoành hành. Phụ nữ nào không chịu phục tùng sẽ bị mất mạng. Vụ giầu tính cảnh báo nhất là Jeanne French. Cô được cả Hollywood ái mộ. Sau khi được tiếp xúc với các hãng phim để chính thức vào nghiệp điện ảnh, cô từ chối đặng hiến mình cho công tác từ thiện.

Thế là cô bị giết giống như Elizabeth Short, ba tuần sau cô này... Qua vô số bằng chứng thu được, Steve Hodel suy ra rằng cảnh sát Los Angeles đã bị George Hodel mua chuộc từ cấp thấp nhất đến cấp tối cao.

Nhiều nhân viên cảnh sát trung thực đã từ chức hàng loạt. Steve Hodel kết luận rằng cha mình là chủ mưu của những vụ giết phụ nữ độc thân xảy ra rất nhiều ở Los Angeles bấy giờ...

Tất cả đành chịu bất lực hay bi kịch của điện ảnh Hoa kỳ? 

Kết kuận của Steve Hodel không được công nhận. Vì vậy, cái chết của Thược dược đen vẫn là một trong những bí ẩn nhức nhối và ám ảnh nhất của thế kỷ XX. Cuộc điều tra vẫn tiếp tục nhưng chỉ còn là hình thức. Thời thế thay đổi, cơ chế phạm tội và hình phạt cũng đổi thay.

Chỉ khát vọng công bằng là vẫn diết da nguyên vẹn. Năm 1958, bà mẹ của James Ellroy bị giết chết, sau khi bị làm nhục. Mãi mãi, tên giết người lặn mất tăm. Cái chết này chấn động dữ dội tâm hồn Ellroy.

Từ đó, hình ảnh Elizabeth Short hoà vào hình ảnh mẹ và James Ellroy quyết tâm viết bằng được một cuốn tiểu thuyết thực thụ để đỡ hận cho mẹ và bày tỏ lòng mình.

Tiểu thuyết Bông thược dược đen ra đời 1987, kết hợp hư cấu và chuyện thật, khắc họa chính xác xã hội Mỹ và những mặt trái của nó những năm 1940, 1950. Nó đưa ra một giải pháp để hạn chế và đẩy lùi tội phạm. Đó là trong sạch hoá bộ máy hành pháp, bộ máy công quyền và lành mạnh hoá xã hội.

Chính ý tưởng này, vốn được diễn tả nhuần nhuyễn và thuyết phục, tạo nên giá trị toàn cầu cho cuốn sách và đưa James Ellroy lên địa vị nhà văn trinh thám hình sự số một của Hoa kỳ.

Hai mươi năm qua, Bông thược dược đen, một trong những cuốn sách quan trọng nhất của ông, không ngừng an ủi và động viên các thế hệ dân Mỹ.

Theo câu nói bất hủ của Tchaikovski: “Khi nào lời nói bất lực thì âm nhạc vang lên”, đã có học giả ví von rằng “Khi nào pháp luật bất lực thì văn học và nghệ thuật cất lời”. Gần đây, đạo diễn bậc thầy về hình sự của Hoa Kỳ Brian de Palma dồn tâm huyết dàn dựng bộ phim cùng tên theo tiểu thuyết của James Ellroy.

Bộ phim tái hiện được bối cảnh xã hội Mỹ lúc vụ án mạng xảy ra. Song đạo diễn quá say sưa với âm thanh, hình ảnh và kỹ xảo điện ảnh, mà quên mất cái hồn của nhân vật và bộ phim.

Do đó, chuyện phim hoá ra rối rắm và khó hiểu, chất “tâm sự” và nhân văn mà khán giả chờ đợi không xuất hiện. Một số nhà phê bình đau đớn thốt lên rằng Bông thược dược đen một lần nữa lại bị sát hại. Lịch sử đã  lặp lại. Năm 1962, đạo diễn sừng sỏ Stanley Kubrick từng cay đắng “chào thua” Lolita, kiệt tác văn chương của Vladimir Nabokov.

Vậy công chúng có quyền hy vọng vào những bộ phim Lolita và Bông thược dược đen thành công trong tương lai? Hay như Dostoievski và Gorky nhắc nhở, những tác phẩm lớn thực sự chỉ tồn tại được trong một hình thức duy nhất?... 

MỚI - NÓNG