Thượng đỉnh Nga - Triều: Ðôi bên đều có lợi

Ông Kim được chào đón bằng bánh mì và muối theo truyền thống của Nga. Ảnh: Reuters
Ông Kim được chào đón bằng bánh mì và muối theo truyền thống của Nga. Ảnh: Reuters
TP - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua đã đến Vladivostok của Nga để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh được cả thế giới chú ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm nay, giữa bối cảnh tiến trình ngoại giao Mỹ - Triều vẫn bế tắc.

Ông Kim gặp các quan chức Nga tại nhà ga xe lửa Khasan trước khi lên đường đến thành phố cảng Vladivostok để gặp ông Putin.

Phát biểu với kênh Rossiya-24 của Nga, ông Kim nói ông hy vọng sẽ có chuyến thăm “thành công và hữu ích”, và muốn thảo luận với ông Putin “việc giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên” cũng như quan hệ song phương với Nga.

“Tôi đã nghe nói nhiều về đất nước của các ông và từ lâu đã mơ ước được thăm”, ông Kim phát biểu tại Khasan. “Đã 7 năm kể từ khi lên lãnh đạo mà tôi mới thu xếp được chuyến thăm”, ông nói. Ông Kim nhắc lại “tình yêu lớn với nước Nga” của cha mình, và nói rằng ông muốn tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia.

Cố vấn điện Kremlin Yuri Ushakov nói với báo chí Nga rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ tập trung vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên, rằng Nga sẽ cố gắng “củng cố những xu hướng tích cực” có được từ các cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim.

Có thể thay đổi cán cân quyền lực

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, chưa có tiếp xúc cấp cao công khai nào giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra, cho dù hai bên khẳng định vẫn sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3.

Một số chuyên gia cho rằng chưa rõ Nga có thể đóng vai trò như thế nào trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân, nhưng cuộc gặp lần này có thể giúp ông Putin tăng cường ảnh hưởng của mình đối với chính trị khu vực và những mâu thuẫn trong chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Triều Tiên gần đây thể hiện dấu hiệu khó chịu hơn với tình trạng đàm phán với Mỹ bế tắc. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử một loại vũ khí mới và đòi Mỹ loại Ngoại trưởng Mike Pompeo khỏi đàm phán hạt nhân. Triều Tiên cũng vừa thay ông Kim Yong Chol, cánh tay phải của ông Kim và là đồng cấp của ông Pompeo trong các cuộc đàm phán hạt nhân vừa qua, Yonhap dẫn thông tin từ một nghị sĩ Hàn Quốc đưa tin. Ông Kim Yong Chol là Chủ tịch Mặt trận thống nhất, một bộ phận của đảng Lao động Triều Tiên chuyên xử lý quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.

Cố vấn của ông Putin khẳng định Kremlin sẽ cố gắng giúp “tạo các điều kiện tiền đề và không khí thuận lợi để đạt được thỏa thuận thực chất cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”. Ông Ushakov nói rằng hai nhà lãnh đạo Putin - Kim cũng sẽ bàn về hợp tác song phương.

Nga muốn tiếp cận nhiều hơn nguồn khoáng sản của Triều Tiên, trong đó có các kim loại hiếm. Còn Bình Nhưỡng muốn Nga xây dựng lưới điện và đầu tư để hiện đại hóa những nhà máy công nghiệp, đường sắt và các hạ tầng khác từ thời Liên Xô.

“Khi gặp ông Putin, ông Kim sẽ đề nghị hỗ trợ kinh tế và nới lỏng trừng phạt đơn phương. Nhưng Mátxcơva khó có thể đáp ứng những mong muốn đó”, Reuters dẫn lời ông Artyom Lukin, giáo sư công tác tại ĐH liên bang miền Đông ở Vladivostok. “Là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Mátxcơva khó có thể làm suy yếu quyền lực của mình vì tình bạn với ông Kim”, ông Lukin nói.

Hợp tác quân sự Nga - Triều và phần lớn thương mại song phương phải dừng lại vì các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc, nhưng Mátxcơva cung cấp ngũ cốc và viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, trong khi hàng ngàn lao động Triều Tiên đang làm việc ở vùng Viễn Đông thưa thớt của Nga.

CNN dẫn lời ông Georgy Toloraya, một nhà cựu ngoại giao Nga dày dạn kinh nghiệm về các vấn đề Triều Tiên, nói rằng chớ nên đánh giá thấp vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên, rằng Moscow đang đi một cách thận trọng, nhưng có thể vươn lên thành nhân tố hàng đầu nếu cần.

“Chúng tôi có các công cụ, nhưng không dùng đến. Nếu chúng tôi muốn cung cấp hàng chục S-400 (hệ thống phòng thủ tên lửa) cho Triều Tiên, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực ở Triều Tiên. Đó chỉ là một ví dụ”, ông Toloraya nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.