Thượng viện Bỉ cho phép hỗ trợ trẻ em 'chết nhân đạo'

Thượng viện Bỉ cho phép hỗ trợ trẻ em 'chết nhân đạo'
TP - Thượng viện Bỉ hôm qua bỏ phiếu thông qua việc mở rộng luật trợ tử (hỗ trợ chết nhân đạo) đối với trẻ em mắc bệnh không thể cứu chữa. Nếu được Hạ viện thông qua, Bỉ sẽ là nước đầu tiên trên thế giới bỏ giới hạn tuổi tác đối với cách làm này.

> Italia: Người đòi quyền được chết đã toại nguyện

Dự luật nhận được 50 phiếu ủng hộ và 17 phiếu chống. Các lãnh đạo tôn giáo là những người phản đối. Nội dung của dự luật là cho phép trẻ em đề nghị được trợ tử nếu chúng bị bệnh kinh niên, cực kỳ đau đớn và chưa có phương pháp chữa trị. Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được Hạ viện xem xét. Nhiều nhà quan sát cho rằng, rất có khả năng Hạ viện cũng sẽ chấp thuận.

Năm 2002, Bỉ thông qua luật cho phép trợ tử đối với những người từ 18 tuổi trở lên bị bệnh kinh niên, vô phương cứu chữa. Theo dự luật mới, những trường hợp được trợ giúp để chết nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện: Bệnh nhân phải nhận thức được quyết định của mình và hiểu được ý nghĩa của biện pháp trợ tử; yêu cầu của bệnh nhân phải được cha mẹ và các bác sĩ chữa trị chấp thuận; bệnh không thể khỏi, gây ra nỗi đau đớn tột cùng và chưa có phương pháp nào giảm bớt đau đớn.

Tháng 11 vừa qua, 16 bác sĩ nhi khoa cùng viết thư thúc giục các nhà làm luật nước này thông qua luật cho phép áp dụng biện pháp trợ tử đối với người dưới 18 tuổi.

“Kinh nghiệm cho thấy trong nhiều trường hợp bị bệnh nghiêm trọng và sắp chết, vị thành niên thường phát triển rất nhanh để đạt tới mức độ trưởng thành nhằm phản ánh bản thân và thể hiện chính mình trong cuộc sống cao hơn so với người khỏe mạnh”, bức thư viết.

Trong phiên tranh luận tại Thượng viện, những nghị sĩ ủng hộ cho rằng, dự luật khi được thông qua sẽ trao quyền cho các bác sĩ và trẻ bị bệnh nan y đưa ra quyết định khó khăn.

Ngược lại, những người phản đối tại Thượng viện cho rằng, trẻ em chưa đủ năng lực để đưa ra một quyết định như vậy. “Chúng tôi nghĩ trẻ em không hiểu chết là như thế nào, chúng không thể hiểu rằng chết là điều không thể đảo ngược”, nghị sĩ Els Van Hoof nói.

“Chúng cũng bị ảnh hưởng bởi chính quyền, bởi bố mẹ, bởi bác sĩ. Vì thế, tôi nghĩ rằng, để đưa ra quyết định lớn như vậy về mạng sống của mình, chúng chưa đủ khả năng”.

Năm 2012, Bỉ ghi nhận 1.432 trường hợp thực hiện phương pháp trợ tử, tăng 25% so với năm 2011.

Trúc Quỳnh
theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG