Thuyết “bát vinh, bát xỉ” của ông Hồ Cẩm Đào

Thuyết “bát vinh, bát xỉ” của ông Hồ Cẩm Đào
TPCN - Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra luận thuyết “Bát vinh, bát xỉ” - “tám điều lấy làm vinh quang, tám cái xem là xỉ nhục”.
Thuyết “bát vinh, bát xỉ” của ông Hồ Cẩm Đào ảnh 1
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ăn tết xuân Bính Tuất với công nhân dầu khí.

Luận thuyết này được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra tại một buổi họp tổ trong Đại hội toàn quốc Chính Hiệp (hội nghị chính trị hiệp thương Trung Quốc - tổ chức xã hội tương đương Mặt trận Tổ quốc của Việt Nam).

Luận thuyết xây dựng quan niệm vinh, nhục ngày nay của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang gây tiếng vang mạnh mẽ trong toàn xã hội Trung Quốc. “Bát vinh, bát xỉ” đã nhanh chóng tạo được tiếng nói chung từ các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc.

Đó là “Lấy yêu tổ quốc làm vinh, coi tổn hại tổ quốc là nhục; lấy phục vụ nhân dân làm vinh, coi xa rời nhân dân là nhục; lấy tôn sùng khoa học làm vinh, coi ngu muội vô tri là nhục; lấy lao động cần cù làm vinh, coi lười biếng hưởng lạc là nhục; lấy đoàn kết tương trợ làm vinh, coi ích kỷ hại người là nhục; lấy thành thực giữ tín làm vinh, coi hám lợi bất nghĩa là nhục; lấy tuân theo kỷ cương pháp luật làm vinh, coi vi phạm là nhục; lấy phấn đấu gian khổ làm vinh, coi xa xỉ dâm dật là nhục”.

Luận thuyết quan trọng này với tầm khái quát cô đọng, ngụ ý sâu sắc, đặt hướng đi tới cho một nền văn hóa tiên tiến, và những đòi hỏi cơ bản về quy phạm đạo đức XHCN.

Nó thể hiện phương hướng, sách lược kết hợp  pháp trị với  đức trị, là sự kế thừa và phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tư tưởng xây dựng đạo đức XHCN, là phương châm chỉ đạo quan trọng, đẩy mạnh một bước việc xây dựng nền văn minh tinh thần và xã hội hài hoà.

Quan niệm vinh nhục cũng là nội dung quan trọng của thế giới quan, nhân sinh quan và nấc thang giá trị. Xây dựng một quan niệm vinh nhục đúng đắn là đòi hỏi tất yếu trong xã hội ngày nay.

Những biến đổi sâu sắc của xã hội Trung Quốc, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, tác động lẫn nhau của văn hóa đã sản sinh ảnh hưởng nhiều mặt đến quan niệm tư tưởng, lối sống của con người.

Yêu tổ quốc, giàu chí tiến thủ, sống khoa học văn minh, đoàn kết yêu thương vẫn là bộ mặt tinh thần chủ yếu của xã hội. Nhưng cũng phải thấy, những hiện tượng bất minh thị phi (không rõ phải trái), bất tri vinh nhục (không biết vinh nhục), bất biện thiện ác (không rõ lành dữ), bất phân tốt xấu vẫn tồn tại rất lớn rất nhiều, không chỉ làm bại hoại phong khí xã hội, mà còn gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Thực tế đã chứng minh, nếu không có một bầu không khí xã hội lành mạnh, không có một  chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, thì cho dù kinh tế  quốc gia có phát triển đến đâu, thì quốc lực tổng hợp cũng không sao lớn mạnh nổi, càng khó mà vươn tới ngang hàng các dân tộc tiên tiến trên thế giới.

Với số dân 1,3 tỷ người, và 56 dân tộc, Trung Quốc là một nước lớn đang phát triển. Việc tiến nhanh tới hiện đại hóa và thực hiện khá giả toàn diện rất cần có một cơ sở tư tưởng chung và một quy phạm đạo đức cộng đồng.

Dĩ nhân vi bản là hạt nhân của quan niệm phát triển khoa học, nâng cao tố chất con người là mục tiêu quan trọng của việc xây dựng xã hội giàu có toàn diện. Chỉ có xây dựng nên một quan niệm vinh nhục đúng đắn, mới có thể nâng cao được tố chất con người, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.

Một xã hội tinh thần hẫng hụt, tiến thoái vô lối, không gì dựa cậy sẽ không tạo nên sự hài hoà; một xã hội vinh nhục đảo lộn, thị phi lẫn lộn, tốt xấu lệch lạc cũng sẽ không làm nên sự hài hòa.

Xây dựng quan niệm vinh nhục XHCN, mới mong hình thành được mắt xích tinh thần và phong cách đạo đức xã hội hôm nay.

Phó Thiên Tùng
Theo Nhân dân Nhật báo

MỚI - NÓNG