Tìm bạn đời trong dịp Tết

Một cuộc “tương thân” ở Hàm Đan, Hà Bắc hôm Noel vừa qua.
Một cuộc “tương thân” ở Hàm Đan, Hà Bắc hôm Noel vừa qua.
TP - Đối với các chàng trai cô gái Trung Quốc trong độ tuổi hôn nhân nhưng còn đang chịu cảnh chăn đơn gối chiếc, kỳ nghỉ Tết là một dịp quan trọng để gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm người bạn đời.

Theo báo “Tin tức tham khảo” số ra ngày 2/1/2017, một bản điều tra về hiện trạng nhóm người độc thân Trung Quốc năm 2016 cho thấy: hiện nay tỉ lệ phân bố nam nữ độc thân đang mất cân bằng nghiêm trọng. “Nữ Bắc Kinh, nam Thâm Quyến” là hai nơi tập trung những người trong độ tuổi hôn nhân nhưng không tìm được bạn đời nhiều nhất; nữ 28 tuổi ở Quảng Đông và nam 33 tuổi ở Bắc Kinh được người phía khác giới coi là “nửa bên kia lý tưởng nhất”; nữ nhân viên bán hàng và nam kỹ sư IT là những người “ế ẩm” nhất.

Theo số liệu của Cục Thống kê Dân chính Quốc gia, hiện nay số người độc thân trong tuổi trưởng thành đã vượt quá 200 triệu. Trang mạng “Zhenai.com” chuyên về dịch vụ môi giới hôn nhân hàng đầu hôm 28/12/2016 công bố báo cáo điều tra cho thấy, 10 thành phố hiện tập trung đông người độc thân nhất là: Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, Tây An, Vũ Hán, Đông Hoàn, Trường Sa.

Nghỉ Tết, tối mắt tối mũi đi gặp gỡ, xem mặt

Có tới 54,7% số người được thăm dò cho biết: 7 ngày nghỉ Tết năm 2016, đã tham gia ít nhất 8 cuộc “tương thân” (xem mặt, hẹn hò gặp mặt để tìm bạn đời). 2% tham gia trên 10 cuộc, 6,34% tham gia  từ 8-10 cuộc, 20,5% tham gia 5 cuộc trở xuống, chỉ có 16,46% không tham gia cuộc nào.

Trần Minh, 29 tuổi ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến chán nản: “Những người ngoại tỉnh vật lộn kiếm sống như tôi ở Thâm Quyến đông không kể xiết. Cứ dịp nghỉ Tết về nhà là nhất định phải đi “tương thân”. Người nhà rất quan tâm, lo lắng đến hôn nhân của tôi; bản thân cũng mong sớm thành gia, nên bất kể người nhà sắp xếp hay bạn bè giới thiệu, đám nào tôi cũng tích cực tham gia mà chả ăn thua”. Cũng điều tra này cho thấy, áp lực khiến họ muốn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng độc thân lớn nhất là do tuổi ngày càng nhiều (34%), tiếp đó là cha mẹ thúc giục (20%), thiếu tự tin về bản thân (18%), bạn bè cùng lứa đã thành gia thất, con cái đề huề (16,5%)… rồi mới đến các nhân tố khác (12,5%).

Trước sự thúc giục của người nhà và bạn bè, người trong cuộc cũng sốt ruột nhưng có một số ngành nghề, dù có muốn đến mấy cũng rất khó tìm được đối tượng. Về phía phái đẹp, ngành nghề có số quá lứa không tìm được chồng đông nhất là nhân viên bán hàng, tiếp đó đến ngân hàng; còn về phía giới mày râu, ế ẩm nhất là các kỹ sư tin học (IT), sau đó đến các kỹ sư trong các ngành sản xuất chế tạo. Cô Lâm, một nữ nhân viên cung tiêu của siêu thị bày tỏ: do yêu cầu công việc, cô thường xuyên phải đi công tác, đàm phán và giao lưu tiếp đón khách hàng, không có thời gian rảnh để yêu đương. Lâm cũng đã đi “tương thân”, đã chọn được người thích hợp, nhưng cũng chỉ vì nghề nghiệp mà đối tượng “bỏ của chạy lấy người”.

Cha mẹ vào cuộc, lợi và hại

Tìm bạn đời trong dịp Tết ảnh 1

Chương trình truyền hình Tương thân kiểu Trung Quốc

Chương trình truyền hình tương tác theo chủ đề yêu đương mới nhất có tên “Trung Quốc thức tương thân” (Xem mắt kiểu Trung Quốc) mới phát sóng trên Đài truyền hình Đông Phương với điểm mới là cha mẹ cùng con cái lên tivi “tương thân”, hiện đang có tỷ lệ người xem rất cao với rất nhiều ý kiến bình luận. Có buổi đưa 5 cặp cha mẹ hai bên lên trực tiếp đối thoại, cặp cha mẹ nào ưng ý thì bật đèn. Buổi khác thì cha mẹ cô gái ngồi chọn rể.

Hình thức cha mẹ “tháp tùng” con cái nhưng giữ quyền chủ động chọn bạn đời cho con đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt. Có người cho rằng cha mẹ nhúng tay vào chuyện yêu đương của con cái là một bước thụt lùi lớn, là biến tướng của kiểu “hôn nhân bao biện”, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; nhưng cũng có người cho rằng chương trình truyền hình này đã phản ánh hiện thực xã hội, rốt cục kết hôn là chuyện của hai gia đình, cha mẹ cần thiết phải “sát hạch” đối tượng của con cái.

Có người bày tỏ nghi ngờ: một khi cha mẹ đã lựa chọn tham gia tiết mục “tương thân”, thì tất yếu trong quá trình lựa chọn bạn đời cho con sẽ diễn ra theo kiểu tính toán lợi danh, sặc mùi trần tục.

Nhưng cũng có người ủng hộ. Trong xã hội Trung Quốc, mẹ chồng chọn con dâu rất hà khắc, phụ huynh chủ đạo việc hôn nhân, luôn đặt môn đăng hộ đối lên hàng đầu; khi hai bên đều “đánh bài ngửa” thì chỉ có những người “thực sự ưu tú” mới có cơ hội tìm, chọn được “bạn đời ưu tú”.

Trước những ý kiến này, ông Lưu Nguyên, giám đốc sản xuất chương trình “Trung Quốc thức tương thân” đã trả lời, cho rằng: nói chương trình này là “bao biện hôn nhân”, “một bước thụt lùi” là hiểu nhầm. Ông nói: “Nếu cha mẹ hai bên gặp nhau quyết định chuyện chọn dâu rể thì mới gọi là cha mẹ chủ đạo; còn trong chương trình chúng tôi đã dành cho con cái và cha mẹ quyền cùng đối thoại. Cha mẹ ngồi bàn chủ trì không có nghĩa là họ “bao biện”. Ngay ở nước ngoài, con cái muốn kết hôn cũng phải dẫn người yêu về ra mắt cha mẹ, được chúc phúc mới xong. Chúng tôi đã tạo cơ hội cho những người độc thân và cha mẹ họ có cơ hội trực tiếp đối thoại và “va đập”; thông qua thiết kế quy tắc chơi để mỗi người đều có quyền biểu đạt quan niệm của họ. Quan niệm cùng phương thức giao tiếp khác nhau của những người trẻ và cha mẹ sẽ trực tiếp bộc lộ trong quá trình gặp gỡ, trao đổi, gây nên sự va đập về quan niệm giữa hai thế hệ. “Tương thân” cũng là một xã hội thu nhỏ”.

Nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà xã hội học Lý Ngân Hà; các nhà văn Tô Cầm, Hoàng Đông Đông, Thập Nhị, nhà văn chuyên viết bình luận Hàn Tùng Lạc đều bày tỏ ủng hộ, cho rằng cha mẹ hai bên tham gia vào chương trình này đã nâng cao tỷ lệ thành công của các cuộc tương thân; rằng chương trình là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội, giúp hai thế hệ hiểu nhau hơn…

MỚI - NÓNG