Timor Leste và triết lý sống “lạ”

Người dân Timor Leste không khai thác hải sản kiểu tận thu. Ảnh: H.A.T.
Người dân Timor Leste không khai thác hải sản kiểu tận thu. Ảnh: H.A.T.
TP - “Chúng tôi có 1 đô la, chúng tôi tiêu 1 đô la. Chúng tôi cũng muốn nhà chọc trời, tháp TV, các công trình kì vĩ lắm chứ. Nhưng vay để xây, để mắc nợ thì chúng tôi không bao giờ làm. Chúng tôi không ghen tị với người khác. Chúng tôi tự hào vì chúng tôi là chính mình”.

Đó là lời chia sẻ của Bộ trưởng Du lịch, Văn hóa và Nghệ thuật Timor Leste, ông Francisco Kalbuady Lay, về triết lý độc lập và tự chủ của một nhà nước còn non trẻ như Timor Leste.

Tham dự buổi quốc yến tối 20/5 để tân Tổng thống Francisco Guterres Lu Olo của Timor Leste ra mắt quan khách và giới ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Timor Leste Hoàng Anh Tuấn cho rằng, tư duy phát triển của Timor Leste rất đáng học hỏi.

Bộ trưởng Du lịch, Văn hóa và Nghệ thuật Timor Leste, ông Francisco Kalbuady Lay, là người được đào tạo tại Úc và Hà Lan, nói thành thạo 7 ngôn ngữ: Anh, Trung, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Bahasa Indonesia và tiếng mẹ đẻ Tetu. Có lẽ chính quyền non trẻ Timor Leste cũng trọng tri thức và chiêu hiền đãi sỹ như chính phủ của Cụ Hồ giai đoạn 1945-1946, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhận xét.

Theo lời ông Francisco Kalbuady Lay, Timor Leste có lẽ là một trong rất ít nước, nếu như không muốn nói là duy nhất, trên thế giới có dự trữ ngoại tệ (20 tỷ USD) lớn gấp 16 lần GDP (hiện trên 1,2 tỷ USD/năm). Việc lập ngân sách hằng năm dựa trên nguồn thu, có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, không làm thâm hụt ngân sách và có ít thặng dư để dành. Tuyệt đối tránh sử dụng dự trữ quốc gia.

Timor Leste là một trong những nước nghèo nhất thế giới với dân số khoảng 1,2 triệu người và GDP 1,2 tỷ USD/năm. Tính ra, GDP trên đầu người là 1.000 USD/năm. Trong số 1,2 tỷ USD đó, có tới 80% đến từ khai thác dầu khí. Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, triết lí phát triển của lãnh đạo Timor Leste là chi tiêu trong khả năng, tuyệt đối tránh sử dụng dự trữ quốc gia hay gây thâm thủng ngân sách.

Cá đầy biển cũng chỉ bắt đủ ăn

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn kể, Timor Leste là nước có “biển bạc” đúng nghĩa. Ngồi trong quán ăn nhìn ra biển thấy có hàng chục chiếc thuyền của dân chài thả lưới và đánh cá chỉ cách bờ khoảng 10-20m. Họ chỉ dùng xiên gỗ hoặc bắn tên để kiếm cá. Họ chỉ làm 30 phút buổi sáng trên biển, bắt được mớ cá đủ ăn trong ngày hoặc bán lấy 10-15 USD đủ tiêu là nghỉ làm. Biển nhiều hải sản đến nỗi nếu muốn ăn và có thời gian thì chỉ cần đợi đến buổi  chiều, thủy triều rút xa bờ khoảng 100m là có thể nhặt được cả rổ cầu gai, ốc biển, ngao, hải sâm...

Dù còn nghèo nhưng chính phủ non trẻ Timor Leste lại cung cấp miễn phí giáo dục phổ thông và y tế cho người dân. Người từ 60 tuổi trở lên được trợ cấp 60 USD/tháng, còn trợ cấp thất nghiệp là 90 USD/tháng.

Tuy Timor Leste nghèo, nhưng chi phí sinh hoạt phí tại nước này rất cao. Giá khách sạn, sinh hoạt tại Timor Leste cao gấp khoảng 3 lần so với Hà Nội hoặc Jakarta. Timor Leste không có đồng tiền riêng mà sử dụng đô la Mỹ làm đồng tiền chính thức. Timor Leste chỉ đúc tiền xu và cũng có mệnh giá như các đồng xu Mỹ. Nhưng đây không phải xu Mỹ và chỉ tiêu được ở Timor Leste.

Timor Leste là nơi văn hoá làng xã vẫn đóng vai trò quan trọng. Ở các bản làng, luật lệ là tiếng nói của già bản hay trưởng làng. Ngôn ngữ chính thức của người dân địa phương là tiếng Tetu. Ngoài ra, có 13 ngôn ngữ địa phương được sử dụng khá phổ biến. Tính chung trên cả nước, có khoảng 30 thổ ngữ được 1,2 triệu người sử dụng.

Học sinh Timor Leste khi học hết phổ thông là phải sử dụng được cùng lúc 4 ngôn ngữ cơ bản là tiếng bản địa Tetu, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh và tiếng Bahasa Indonesia. Hai ngôn ngữ chính thức trong các văn bản nhà nước là tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha.

Một điều ngạc nhiên là hộ chiếu của Timor Leste là một trong những hộ chiếu “có giá” nhất ở Đông Nam Á. Là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, đồng thời tiếp tục gắn kết với Bồ Đào Nha và các quốc gia nói thứ tiếng này, người Timor Leste có thể đi đến tất cả các nước trong khối Schengen bằng hộ chiếu của mình trong vòng 3 tháng mà không cần xin visa.

Dù chỉ có 1,2 triệu dân nhưng tại Timor Leste có tới 31 đảng phái chính trị hoạt động và tranh cử cho cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 22/7.

Cộng đồng người Việt

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết, khoảng 130 người Việt đang sống, làm việc ở Timor Leste, trong đó có 30 cán bộ của Viettel đang làm tại công ty viễn thông Telemor (Telemor là mạng di động lớn nhất của Timor Leste do Viettel làm chủ đầu tư với 55% tổng thuê bao của cả nước). Trong số còn lại, quá nửa là người làm nghề tự do, mở quán ăn, làm dịch vụ sửa sang TV, xe máy, ô tô...

Nhân dịp ông Francisco Guterres nhậm chức Tổng thống Timor Leste nhiệm kỳ 2017-2022, ngày 23/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng.

MỚI - NÓNG