Tình báo Mỹ: Trung Quốc sắp thể hiện sức mạnh tấn công ở Trường Sa

TP - Vài tháng nữa Trung Quốc có thể thể hiện “sức mạnh tấn công quân sự đáng kể” từ các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở quần đảo Trường Sa, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ vừa nhận định.

Trong thư đề ngày 23/2 gửi Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper viết rằng, hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa đã tạo nên hạ tầng cần thiết để “thể hiện năng lực quân sự ở biển Đông nhiều hơn mức cần để bảo vệ những tiền đồn của họ”.

Tình báo Mỹ: Trung Quốc sắp thể hiện sức mạnh tấn công ở Trường Sa ảnh 1

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: People’s Daily.

Rõ ràng đang quân sự hóa

“Dựa trên tốc độ và quy mô xây dựng các tiền đồn này, Trung Quốc sẽ có thể triển khai hàng loạt hoạt động quân sự phòng thủ và tấn công, đồng thời hỗ trợ tăng cường hiện diện của lực lượng hải quân và hải cảnh, bắt đầu từ năm 2016”, ông Clapper viết. “Khi những cơ sở này được hoàn thành vào cuối năm 2016 hoặc đầu 2017, Trung Quốc sẽ có năng lực đáng kể để nhanh chóng thể hiện sức mạnh tấn công đáng kể đối với khu vực”, Reuters dẫn nhận định của ông Clapper.

Khi được hỏi về những điều này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua nói rằng, Trung Quốc “chỉ thực hiện quyền tự vệ”. “Trung Quốc thực hiện những hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí hợp lý trong phạm vi chủ quyền của mình”, ông Hồng nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh. Trung Quốc luôn nói những hoạt động quân sự hóa ở khu vực tranh chấp của họ chỉ để tự vệ, nhưng chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tháng trước khẳng định, Trung Quốc “rõ ràng đang quân sự hóa” ở biển Đông nhằm đạt được bá quyền ở Đông Á.

Thư của ông Clapper gửi Thượng nghị sĩ McCain được đăng trên cổng thông tin của Viện Hải quân Mỹ. Reuters đưa tin, các quan chức Mỹ đã xác nhận nội dung lá thư. Ông Clapper nói rằng, từ khi Mỹ chưa nhận ra việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự đáng kể ở Trường Sa, Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ điều đó, bao gồm các máy bay chiến đấu hiện đại.

Trung Quốc đã lắp radar quân sự ở đá Châu Viên và Chữ Thập, và những hạ tầng này cũng cho phép triển khai tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển và tăng cường hiện diện của tàu chiến, ông Clapper viết. Mỹ vẫn chưa thấy không quân Trung Quốc hoạt động ở Trường Sa, nhưng các loại tàu chiến như tàu khu trục tên lửa dẫn đường đã cập cảng các tiền đồn này vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay. Ông Clapper nói rằng, các tàu đổ bộ cỡ lớn đã được Trung Quốc sử dụng rất nhiều để phục vụ hoạt động xây dựng, và lần hạ cánh của máy bay dân sự tại đá Chữ Thập vào tháng 1 cho thấy đường băng trên đó đang hoạt động và có thể tiếp nhận mọi loại máy bay quân sự của Trung Quốc.

Giám đốc tình báo Mỹ cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục cải tạo, xây dựng ở Trường Sa sau ngày 5/8/2015, sau khi ngoại trưởng nước này tuyên bố đã dừng. Chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc định bồi đắp thêm gì đáng kể ở Trường Sa, nhưng ông Clapper nói rằng còn một khu vực bãi san hô ở Trường Sa đủ để Trung Quốc bồi đắp thêm hơn 400ha nữa. Lầu Năm Góc từng cho biết, Bắc Kinh tìm cách củng cố chủ quyền của họ trên gần hết biển Đông bằng những dự án xây dựng ở Trường Sa, dẫn đến hơn 1.170 ha đất bị bồi đắp kể từ năm 2013.

Máy bay sẽ thường xuyên hoạt động ở Phú Lâm

Trong một động thái mới nhất, báo chí nhà nước Trung Quốc hôm qua đưa tin chỉ trong vòng 1 năm nữa, nước này sẽ bắt đầu các chuyến bay dân sự đến và từ các đảo tranh chấp trên biển Đông. Đó là những chuyến bay đến cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc thiết lập căn cứ hành chính trái phép để quản lý các đảo và bãi đá mà họ chiếm đóng trên biển Đông. Hai tàu chở khách và một tàu cảnh sát biển trở thành trạm phục vụ liên lạc bằng di động ở cái gọi là Tam Sa, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời quan chức địa phương cho biết.

Sân bay trên đảo Phú Lâm và đường băng mới trên đá Chữ Thập sẽ thúc đẩy dịch vụ vận tải hàng không ở khu vực, tăng cường năng lực hàng hải, giám sát, cung cấp thông tin thời tiết và hàng không của nước này, Xinhua đưa tin. Trung Quốc cho các máy bay chiến đấu được trang bị vũ khí đầy đủ hạ cánh xuống đường băng trên đảo Phú Lâm vào tháng 11 năm ngoái, và việc nâng cấp những nhà chứa máy bay trên đảo này cũng đã được hoàn thành, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao khu vực.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.