Tính cách Hàn

Tính cách Hàn
TPCN - Cuối tháng 9/2005, lần đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc nhưng thú thực là tôi không ngạc nhiên lắm, ít nhất cũng không bị shock trước nền kinh tế đứng hàng thứ 12 thế giới này.
Tính cách Hàn ảnh 1
Tượng đá ở đảo Jeju

Mươi năm nay, nước Hàn đã thực sự hiện diện ở Việt Nam, qua ô tô, tủ lạnh, máy giặt, rồi thuốc men, thực phẩm, mỹ phẩm, chăn, ga, gối nệm,... nhất là qua phim ảnh, những mái tóc nhuộm vàng hoe, những cặp môi đen mọng như quả bồ quân từ màn hình tràn ra đường phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh!

Người Hàn đã quá thành công trong việc tiếp thị hình ảnh nước họ như một quốc gia phát triển, dứt khoát bước qua trang sử buồn của quá khứ chiến tranh để trở nên thân thiện với Việt Nam.

Nói bước qua không có nghĩa là khoả lấp, “coi như không có” quá khứ ấy, như cách “tế nhị” mà dân ta thường ứng xử trong trường hợp tương tự . Có lẽ sòng phẳng là một trong những phẩm chất của người dân Hàn.

Hơn một lần, trong hành trình chẵn 10 ngày qua hầu hết các tỉnh thành của nước Hàn, chúng tôi đã được nghe các đồng nghiệp Hàn Quốc chủ động nhắc đến việc Chính phủ Hàn đã can dự vào cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước năm 1975.

Nhà báo Lee Ưon-hee, Phó Tổng thư kí của Hội Nhà báo Hàn Quốc từng qua Việt Nam vài lần, không giấu giếm thiện cảm của mình với cuộc sống Sài Gòn mà anh cho là “rất phát triển”, đã giải thích mối quan tâm đến nước ta chính là bắt nguồn từ việc ông có một người anh, một người chú từng đi lính sang đấy những năm khói lửa.

Những nhà báo trong đoàn từng là chiến sĩ Quân Giải phóng như Phạm Chí Thiện (HNB Việt Nam, Văn phòng phía Nam) thường là đối tượng “săn sóc đặc biệt” của chủ nhà.

Cũng may anh là một tửu đồ thượng thặng nên mới trụ được trong những cuộc “xa luân chiến” mà “vũ khí đặc biệt” của các bạ rượu Hàn Quốc là bia bơm.

Ban đầu nghe không rõ, tôi tưởng là bia bom, vì sức “công phá” của chúng cũng chẳng khác bom là mấy. Bàn tiệc của người Hàn bao giờ cũng bày cả bia và rượu, chỉ một loại rượu soju, trong veo, đựng trong chai nhỏ.

Khi uống bia đã bay bay, chủ tiệc xướng lên là phải có bia bơm. Người ta đặt một chiếc li nhỏ trong lòng cốc, đổ đầy rượu rồi rót bia ào lên, chúc tụng.

Người uống cạn một hơi, cả bia và rượu, rồi nâng chiếc cốc rỗng lắc nhẹ, hai vật thuỷ tinh chạm nhau leng keng nghe thật vui tai. Các nhà báo Hàn Quốc đã bày tỏ tình cảm với những người từng đối diện với bạn bè hoặc cha anh họ trên chiến tuyến năm xưa bằng những cuộc “quyết đấu” vui vẻ ấy.

Theo cảm nhận của tôi, tình cảm của người Hàn với người Việt khá nồng hậu, chân thành. Quá khứ oái oăm không đủ phân rẽ hai dân tộc. Hiệu quả của hơn một thập kỉ hợp tác phát triển kinh tế khiến mối quan hệ ấy đi vào chiều sâu và phong phú hơn rất nhiều.

Thêm nữa, hành vi của những người trẻ Việt Nam có mặt ở Hàn Quốc, dù cũng có dư luận này nọ nhưng chưa đủ gây phương hại đến thiện cảm sẵn có của người dân địa phương như điều đáng buồn ở nhiều thị trường xuất khẩu lao động khác.

Ở chợ Dong Daemon có nhiều cửa hàng căng biển chữ Việt, đề giá bằng tiếng Việt. Việt Nam đương “hot” ở  Seoul, ở Khoa tiếng Việt đại học Busan, ở các tour du lịch...

Mong sao chúng ta tận dụng được lợi thế này và bảo vệ, phát triển được nó. Có người sống ở Seoul lâu nói với tôi: Người Hàn sòng phẳng đến mức cực đoan, yêu thật yêu mà ghét thì thật ghét, phải chăng đấy là một đặc trưng di truyền từ nguồn gốc du mục phương Bắc?

Có lẽ thế thật. Cứ xem cách họ đối xử với các đồng bào đủ thấy. Đến thăm thành phố Kwangju, chúng tôi được dẫn đi thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc nổi dậy vì Dân chủ, năm 1980.

Cả một nghĩa địa mênh mông, đẹp một cách bi thảm. Trên rất nhiều bia mộ là những gương mặt rất trẻ, có em mới 14 tuổi, đã bị thảm sát vì những tay súng dưới quyền Tổng thống độc tài Chun Doo Hwan trong những ngày tháng Năm đen tối mới cách đây một phần tư thế kỉ, chưa đủ rơi vào lãng quên.

Mà cũng không ai cho phép lãng quên. Hội đồng Thành phố Kwangju đã quyết định xây dựng khu tưởng niệm này, với đầy đủ các hiện vật, hình ảnh và tiếng động thu thập được, để khắc ghi tội ác của những lực lượng phản dân chủ.

Cả sự đồng loã của báo chí thời ấy cũng bị vạch trần: Tấm ảnh đài phát thanh MBC bị đốt vì đưa tin sai sự thật về cuộc nổi dậy được phóng to, giăng kín một khoảng tường.

Giọng người thuyết minh trầm trầm: Nếu không có sự dũng cảm, quên mình của một phóng viên ngoại quốc thì thế giới đã không bao giờ biết đến hàng trăm người bị bắn chết, bị đánh thành thương suốt đời, đau xót hơn còn có nhiều người vì quá thất vọng và đau khổ đã tự huỷ hoại cuộc đời, chết theo người thân...

Đây là một vết nhơ trong lịch sử báo chí Hàn Quốc. Phải chăng vì gột rửa vết nhơ ấy mà báo chí Hàn Quốc hiện đại luôn luôn nỗ lực đứng về phía sự thật, chính họ, chứ không phải báo chí ta hoặc một nước nào khác, những năm đầu thiên niên kỉ mới, đã lật lại những vụ thảm sát dân thường của quân đội Park Chung-hee tại miền Trung Việt Nam, những năm cuối thập kỉ sáu mươi thế kỉ trước?

Nhưng sòng phẳng với quá khứ không có nghĩa là truy sát những kẻ đã ngã ngựa. Trong bữa tiệc có mặt ông Nghị trưởng Hội đồng thành phố Kwangju, tôi hỏi: 25 năm sau cuộc nổi dậy vì Dân chủ ở đây, đã có phiên toà nào được mở hay không và bao nhiêu hung thủ bị kết án?

Ông Nghị trưởng thẳng thắn: Những người hi sinh vì dân chủ đã được tôn vinh như những liệt sĩ, con cái họ được Chính phủ nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành, nhưng về phía những kẻ thủ ác chỉ có một cựu Tổng thống Chun Doo- hwan bị kết án tử hình một cách tượng trưng, nhiều người dính dáng đến sự kiện này thậm chí hiện nay còn đảm nhiệm những chức vụ quan trọng hơn!

Hơn ai hết, người Hàn hiểu Dân chủ là một quá trình và họ không loay hoay thanh toán quá khứ mà biết vui với niềm vui, niềm tự hào “Hàn Quốc đã thực hiện một nền dân chủ tự do và đạt được sự thịnh vượng về kinh tế”.

Mục tiêu đầu thiên niên kỉ này của Hàn Quốc là một  nền dân chủ chín muồi và một nền kinh tế thị trường với tham vọng trở thành “một cường quốc lớn về kinh tế và công nghệ thông tin”, trên cơ sở khai thác những lợi thế về địa lí nằm giữa hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Nhật Bản. 

Nước Hàn với diện tích nhỏ thua chúng ta cả chục vạn ki-lô-mét vuông, dân số cũng ít hơn cả chục triệu người, tài nguyên không thể nói là phong phú hơn,  ngày nay là một quốc gia có thể sản xuất từ cái bấm móng tay tinh xảo đến cỗ tua- bin khổng lồ của nhà máy điện hạt nhân...

Đâu là động lực cho những thành công ấy, có lẽ chỉ có thể tìm câu trả lời trong tính cách người Hàn?

MỚI - NÓNG