Tố Triều Tiên cấp hàng, cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự Syria

Ảnh: US Army
Ảnh: US Army
TPO - Những thông tin từ báo cáo mật của Liên hợp quốc hoàn toàn trái ngược với những tài liệu mà các nhà báo của hãng tin Reuters có được. Theo các chuyên gia phân tích, những cáo buộc về việc Triều Tiên giao hàng cho Syria là cái cớ để Mỹ “tiến hành một cách tích cực chính sách quân sự của mình tại Syria”.

Phản ứng trái triều từ báo cáo của Liên hợp quốc

Theo một báo cáo mật của Liên hợp quốc về những vi phạm đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện “2 vụ giao hàng” của Triều Tiên cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học của Syria (SSRC).

Tuy nhiên, tài liệu mà các nhà báo của hãng tin Reuters có được không cho thấy có bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào và không cho thấy chính xác bản chất “việc giao hàng” của Triều Tiên cho Syria.

Các chuyên gia Liên hợp quốc cho biết họ đang điều tra các hoạt động giữa Syria và Triều Tiên, trong đó bao gồm việc hợp tác hai bên về phát triển chương trình tên lửa Scud của Syria cũng như quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phòng không tên lửa đất đối không của Syria.

Mặc dù bản báo cáo đề cập cụ thể đến hai lần chặn tàu Triều Tiên song không đưa chi tiết về thời gian, địa điểm của những lần chặn các chuyến hàng đó cũng như hàng hóa trên tàu gồm những gì.

Kết luận trong bản báo cáo dài 37 trang, các chuyên gia viết: “Hội đồng đang điều tra báo cáo về các chất hóa học bị cấm, việc hợp tác phát triển vũ khí truyền thống và tên lửa đạn đạo giữa Syria và Triều Tiên. Hai quốc gia thành viên đã chặn các chuyến hàng đến Syria. Một quốc gia khác thông báo họ có lý do để cho rằng các chuyến hàng này là một phần trong hợp đồng KOMID với Syria”.

KOMID là viết tắt của Tập đoàn Thương mại Phát triển Khai thác mỏ Triều Tiên. Tập đoàn này đã bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liệt vào danh sách đen trong năm 2009 và bị coi là một trong những nhà xuất khẩu và mua bán vũ khí và trang thiết bị có liên quan đến tên lửa đạn đạo chủ chốt của Bình Nhưỡng. Tháng 3/2016, Hội đồng cũng liệt hai đại diện của KOMID tại Syria vào danh sách đen.

Các chuyên gia Liên hợp quốc cũng nêu ra những người nhận hàng là các đơn vị của Syria bị Liên minh châu Âu và Mỹ liệt vào dạng công ty bình phong cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC) – một đơn vị của Syria từng hợp tác với KOMID vận chuyển các loại hàng hóa cấm trước đó.

SSRC cũng là đơn vị giám sát chương trình vũ khí hóa học của Syria kể từ những năm 1970. Hiện các phái đoàn Triều Tiên và Syria ở Liên hợp quốc vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào trước thông tin trên.

Ý đồ thực sự của Mỹ

Mặc dù vào tháng 1/2016, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đưa ra báo cáo cho biết kho vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc Chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học.

Theo chuyên gia Evgueni Kim thuộc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên của Viện Viễn Đông, những cáo buộc vô căn cứ về sự hợp tác giữa Triều Tiên và Syria trong lĩnh vực vũ khí hóa học chẳng qua là một cái cớ dành cho Mỹ, vốn đang muốn tiến hành một cách tích cực chính sách quân sự của mình tại Syria.

Vị chuyên gia này cho rằng “Mỹ đang tìm một cái cớ, nhất là việc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến Chính quyền Damascus, để qua đó tiến hành tấn công vào các lực lượng vũ trang của Chính quyền Syria. Tuy nhiên, Damascus tuyệt đối không sử dụng các loại vũ khí này. Chính quyền al-Assad từ rất lâu đã từ bỏ các loại vũ khí hóa học và không bao giờ muốn ‘hủy hoại’ người dân của mình”.

Đồng thời, chuyên gia Evgueni Kim cũng cho biết Triều Tiên không còn nhận được sự quan tâm về việc cung cấp các chất độc hóa học nhưng Washington tiếp tục có những quan điểm đi ngược với thực tế khách quan. 

Ngoài ra, Semen Bagdassarov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông và Trung Á lưu ý rằng Mỹ đang âm mưu “dọn đường” dư luận truyền thông đối với các chiến dịch quân sự trong tương lai. Trong thời gian này, Syria đã bác bỏ những cáo buộc của Anh và Mỹ về những vi phạm của Damscus đối với Hiệp ước cấm vũ khí hóa học và chính 2 quốc gia này đã phớt lờ những đánh giá của các chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc. 

Tuần trước, tại một cuộc họp báo diễn ra ở Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faysal Miqdad đã tuyên bố rằng những chất độc hóa học được tìm thấy tại những khu vực đã được giải phóng của Thủ đô Syria và trong các kho vũ khí của các phần tử khủng bố tại Aleppo có nguồn gốc từ chính Mỹ và Anh. 

MỚI - NÓNG