Tòa án Ấn Độ ra phán quyết lịch sử: cấm ly hôn bằng ‘3 lần talaq'

Phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ đang phải chịu nhiều bất công vì bất bình đẳng giới. Ảnh: AFP
Phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ đang phải chịu nhiều bất công vì bất bình đẳng giới. Ảnh: AFP
TPO - Tòa án Tối cao Ấn Độ đã cấm thực hành thủ tục ly hôn gây tranh cãi của Hồi giáo, được gọi là “3 lần talaq”, vì tục lệ này vi hiến và đi ngược lại với sự tiến bộ của nhân loại. 

Sputnik đưa tin, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đưa ra thời hạn 6 tháng cho chính phủ để ban hành quy phạm pháp luật điều chỉnh quy định trong hôn nhân Hồi giáo.

Phán quyết của tòa án để đáp lại những đơn kiện của 7 phụ nữ bị chồng bỏ bằng tục lệ “3 lần talaq” - thủ tục ly hôn nhanh nhất thế giới của Hồi giáo. Theo đó, đàn ông Hồi giáo có thể lập tức khôi phục trạng thái độc thân sau khi nói đủ ba lần từ “talaq” (ly hôn) với vợ.

Ủy ban thẩm phán, gồm 5 thành viên thuộc các tôn giáo khác nhau phổ biến trong nước, đứng đầu là Chánh án JS Khehar, đã thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết theo đa số trước khi công bố phán quyết cuối cùng. Kết quả, 3 trong 5 thẩm phán thống nhất quan điểm, tục lệ “3 lần talaq” đi ngược lại với tôn chỉ của Hiến pháp Ấn Độ và cả giáo lý Hồi giáo.

Theo tòa án, trong thời gian chờ luật mới có hiệu lực, không ai được phép ly hôn theo tục lệ “3 lần talaq”.

“Chúng tôi hy vọng cơ quan lập pháp sẽ cân nhắc và xem xét Luật Cá nhân Hồi giáo trong lúc điều chỉnh luật. Tất cả các bên phải bỏ qua quan điểm chính trị cá nhân và quyết định công tâm”, tòa án nhấn mạnh.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ được đánh giá là dấu mốc mang tính lịch sử của ngành tư pháp nước này khi sẵn sàng thay đổi tục lệ vốn đã ngấm sâu trong tư tưởng các thế hệ người Hồi giáo Ấn Độ.

Từ lâu, không ít phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ bất mãn trước “điều luật” bất bình đẳng giới và thiếu công bằng. Thậm chí những tình huống “dở khóc, dở cười” như chồng ly hôn vợ qua điện thoại, tin nhắn văn bản hoặc trên mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Năm ngoái, chính phủ đã đệ trình lên Tòa án Tối cao Ấn Độ bản kiến nghị có chữ ký của 50.000 phụ nữ kêu gọi ban hành lệnh cấm sử dụng tùy tiện tục lệ “3 lần talaq”.

Thừa nhận Hiến pháp Ấn Độ trao quyền bình đẳng cho mọi người, trong đó có phụ nữ, chính phủ kêu gọi: “Các quyền này cần thiết trên cả mặt chữ lẫn tinh thần, không chỉ để thực hiện nguyện vọng bình đẳng của mỗi phụ nữ trên đất nước này, mà còn cho sự thịnh vượng to lớn hơn của xã hội và sự tiến bộ của quốc gia mà một nửa trong đó là do đóng góp của phụ nữ”.

Ít nhất 20 quốc gia đa số Hồi giáo khác, gồm cả những nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka đã cấm “3 lần talaq” công khai hoặc ngầm hiểu.

Luật Hồi giáo thực sự cho phép ly hôn ngay lập tức?

Với cộng đồng tín đồ Hồi giáo hơn 155 triệu dân, việc ly hôn theo “3 lần talaq” trở nên phổ biến ở Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chưa ai tìm thấy bằng chứng nào cho thấy, việc người chồng có thể bỏ vợ bằng 3 từ “talaq” được quy định trong kinh Koran hay luật Sharia, điều chỉnh vấn đề kết hôn và ly hôn của Hồi giáo.

Ấn Độ không có luật dân sự thống nhất. Thay vào đó, luật Ấn Độ có nhiều vấn đề như hôn nhân, ly hôn, tiền cấp dưỡng và thừa kế được quy định khác nhau cho các thành viên ở từng cộng đồng tôn giáo. “3 lần talaq” là một phần của Luật Cá nhân Hồi giáo.

Các học giả Hồi giáo lý giải, kinh Koran ghi rõ từ “talaq” phải được nói ra 3 lần riêng biệt, trong 3 tháng (tức 90 ngày). Nếu sau thời hạn trên, hai vợ chồng không thể hòa giải thì ý muốn ly hôn của người chồng sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 91.

Được biết, mục đích ban đầu của quy định nói ba lần nhằm ngăn cản người chồng tùy tiện nói ra từ “talaq”, đồng thời cho người chồng suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định từ bỏ bạn đời.

Tuy nhiên, theo luật sư Shadan Farasat – người đấu tranh chống lại tục lệ này, đa số đã hiểu sai ý nghĩa của tục lệ trên và lạm dụng nó.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG