Tọa đàm về hệ thống chính trị và bầu cử ở Mỹ

Tọa đàm về hệ thống chính trị và bầu cử ở Mỹ
Ngày 9/10, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện KHXH Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức buổi tọa đàm khoa học "Hệ thống chính trị và bầu cử ở Hoa Kỳ".
Tọa đàm về hệ thống chính trị và bầu cử ở Mỹ ảnh 1
Hai ƯCV Tổng thống Mỹ McCain và Obama (Ảnh Reuters)

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Triết học, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện nghiên cứu Lập pháp...

Trong quá trình hình thành và phát triển của thế giới thì Mỹ là quốc gia xuất hiện muộn song lại có những bước tiến nhanh cả về kinh tế và quân sự. Đối với nhiều nhà nghiên cứu, nước Mỹ luôn luôn được xem là một đất nước có lịch sử phong phú, độc đáo và đầy biến động, do đó được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

Giáo sư, Tiến sĩ Graham K.Wilson (Khoa Khoa học Chính trị, Trường đại học Boston) đã trao đổi về hệ thống chính trị, các cuộc bầu cử, vấn đề tăng trưởng, toàn cầu hóa đang diễn ra ở Mỹ...

TS. Wilson cho biết: Hệ thống chính trị ở Mỹ về lý thuyết dựa trên nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Người dân tự do lựa chọn đảng chính trị hoặc không thì ở thế trung lập. Mỹ không có phát thẻ đảng viên, kỷ luật đảng viên.

Có 3 vấn đề đáng quan tâm trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây là mức độ cạnh tranh giữa các ứng cử viên tổng thống ngày càng lớn và theo sát nhau, không còn phân biệt khá rõ ràng như trước đây.

Nước Mỹ đang phải đối đầu với nhiều vấn đề phức tạp từ cuộc chiến tranh ở nước ngoài, khủng hoảng tài chính, những vấn đề nội bộ mang tính "thâm căn cố đế" từ xưa về an sinh xã hội. Bởi vậy, cử tri Mỹ rất quan tâm đến những ứng cử viên có chính sách liên quan đến những việc sát sườn của mình trong thời kỳ khủng hoảng này.

Trong thành phần của cuộc bầu cử, vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao mà cụ thể tăng từ 2% khóa 1989- 1991 lên 14% khóa 2005-2007. Vai trò của các nhóm sắc tộc trong xã hội cũng như chính trị Mỹ được nâng từ 9% lên 15%.

Người da đen hay da trắng đều có cơ hội như nhau để trở thành ứng cử viên tổng thống. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ở nhiệm kỳ đầu hầu hết các tổng thống luôn dành được tỷ lệ ủng hộ cao, càng về sau tỷ lệ này càng thấp...

Đây là dịp để các nhà nghiên cứu Việt Nam tìm hiểu việc tổ chức chính quyền của Mỹ cũng như có sự so sánh với các hệ thống chính trị của các nước trên thế giới, bổ sung kiến thức chuyên ngành, nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo Hoàng Minh Nguyệt
TTXVN

MỚI - NÓNG