Tòa Tối cao Mỹ bác vụ kiện chất độc da cam

Tòa Tối cao Mỹ bác vụ kiện chất độc da cam
TP - Thẩm phán John Paul Stevens của Tòa án Tối cao Mỹ ngày 2/3/2009 bác đơn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ.

>> Bộ hành xuyên Việt đòi công lý da cam

Thẩm phán Paul Stevens và các quan chức khác của Tòa án Tối cao chưa bình luận hay có lời giải thích nào liên quan quyết định bác đơn kiện của các nạn nhân người Việt và hai vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam chống lại công ty Dow Chemical, Monsanto và các nhà sản xuất hóa chất khác.

Đây là các công ty sản xuất chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và được các nghiên cứu khoa học chứng minh có liên quan đến bệnh ung thư, tiểu đường, thai dị dạng...

Năm 2003 và tháng 1/2009, thẩm phán Paul Stevens cũng từng bác đơn kiện liên quan đến chất độc da cam của các cựu binh Mỹ.

Theo nhật báo Legal Times (Mỹ), dù thẩm phán Stevens từ chối bình luận, quyết định bác đơn kiện của ông có thể liên quan tới số phận con trai ông Joseph Stevens, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam chết vì bệnh ung thư năm 1996. Theo báo chí ở Florida, Joseph Stevens – làm nghề lái xe tải và là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam - chết ngày 4/11/1996 lúc 47 tuổi.

Bà Susan Muller, con gái thẩm phán Stevens, ngày 2/3/2009 khẳng định trên tờ Legal Times rằng anh trai mình chết vì bệnh u não. Tuy nhiên, bà Muller cũng không khẳng định việc bác đơn kiện của người cha có liên quan tới cái chết của anh trai mình.

Luật sư Jonathan Moore, cố vấn Hội Nạn nhân Chất Da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA) trong vụ kiện 37 công ty Mỹ, cho biết ông lấy làm buồn về quyết định này.

Tuy nhiên, luật sư Moore khẳng định cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục cho đến khi giành được công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Được hỏi có tin anh trai mình là một nạn nhân của chất độc da cam, bà Muller nói: “Anh ấy đổ bệnh và ra đi quá nhanh nên không có thời gian tham gia vào các vấn đề pháp lý nào”.

Tòa sơ thẩm và Thượng thẩm của Mỹ tại New York lần lượt bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng như của các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Tòa Thượng thẩm năm 2007 cho rằng các nguyên đơn không thể tiến hành vụ kiện bởi vì chất da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhằm bảo vệ quân đội Mỹ, tránh các cuộc phục kích và không xem nó là vũ khí chống lại loài người.

Tháng 10/2008, Tòa án Tối cao tại New York nhận đơn thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đề nghị xem xét lại phán quyết của toà Thượng thẩm.

Đây từng được xem là một thắng lợi lớn vì Tòa án Tối cao Mỹ thường chỉ nhận 8 – 10 phần trăm số đơn thỉnh cầu. Đơn của các nạn nhân Việt Nam dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới cho rằng, tác hại của chất diệt cỏ có thể di truyền tới năm đời và nêu ra lập luận chứng minh rằng việc sử dụng chất diệt cỏ không phải là nằm ngoài ý muốn của Chính phủ Mỹ như Tòa thượng thẩm đã phán quyết.

Theo đơn kiện, trong chiến tranh Việt Nam, chất diệt cỏ được rải xuống hơn 20 nghìn làng mạc, hàng trăm nghìn hécta mùa màng.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ khởi đầu cho các vụ kiện liên quan chất độc da cam. Hành trình đấu tranh lâu dài vì công lý này dẫn đến một cuộc dàn xếp năm 1984, theo đó các công ty hóa chất Mỹ, bao gồm Dow Chemical, Monsanto và các nhà sản xuất khác, chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Những năm gần đây, nhiều cựu binh Mỹ bị phát bệnh muộn phát hai đơn kiện lên các toà án Mỹ đòi quyền nhận bồi thường từ khoản tiền 180 triệu USD kể trên.

Bà Merle Ratner, đồng Điều phối viên Chiến dịch Giảm nhẹ & Kêu gọi Trách nhiệm đối với các Nạn nhân Da cam Việt Nam, tuyên bố:

“Với tư cách công dân Mỹ, tôi phẫn nộ trước việc Tòa án Tối cao phủ nhận công lý đối với hơn ba triệu nạn nhân chất da cam Việt Nam cũng như đối với các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý và đòi bồi thường cho các nạn nhân và đòi dọn sạch những điểm nóng chất da cam còn tồn đọng ở Việt Nam”.

MỚI - NÓNG