Toàn cảnh cuộc lật đổ chính phủ của quân đội Thái Lan

Binh sĩ Thái Lan trên đường phố Bangkok sau cuộc đảo chính hôm 22/5. Ảnh: AP
Binh sĩ Thái Lan trên đường phố Bangkok sau cuộc đảo chính hôm 22/5. Ảnh: AP
TP - Chiều 22/5, Tổng tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, tuyên bố đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ để ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang, chấm dứt 6 tháng khủng hoảng chính trị ở nước này.

Tướng Prayuth xuất hiện cùng các tướng lĩnh trên truyền hình quốc gia tuyên bố, Bộ Tư lệnh Bảo vệ hòa bình trật tự (POMC) bao gồm lục quân, hải quân, các lực lượng vũ trang và cảnh sát đã giành quyền kiểm soát đất nước kể từ 16h30 ngày 22/5. Ông Prayuth nói đảo chính là cần thiết để lập lại trật tự và thúc đẩy cải tổ.

“Chúng tôi kêu gọi dân chúng không nên hoảng sợ và tiếp tục cuộc sống bình thường. Công chức ở tất cả các bộ cũng vẫn thực hiện nhiệm vụ bình thường”, tướng Prayuth nói. Ông cam kết quân đội sẽ bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao và người nước ngoài tại Thái Lan. Mọi cam kết Thái Lan đã ký kết với các nước sẽ vẫn được tôn trọng.

Tướng Prayuth viện dẫn lý do quân đội giành quyền lãnh đạo đất nước và ban bố hơn 10 sắc lệnh, bao gồm nắm quyền kiểm soát các cơ quan truyền thông, internet và đe dọa sẽ truy tố những người chống đối.

Giới quân sự Thái Lan nhấn mạnh, đây không hành động nắm quyền lực, nhưng buộc phải ra tay nhằm ngăn chặn bạo lực lan tràn, khôi phục sự ổn định trong tình trạng đất nước bị chia rẽ sâu sắc.

Tạm dừng nhiều hoạt động

Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố đảo chính, quân đội Thái Lan ra quyết định tạm thời đình chỉ Hiến pháp năm 2007, trừ một số chương liên quan Hoàng gia. Tuy nhiên, Thượng viện và các tòa án vẫn hoạt động bình thường.

Quân đội đã áp lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ai vi phạm sẽ bị phạt tù một năm hoặc nộp phạt 10.000 baht, hoặc cả hai hình thức trên.

Tất cả các đài truyền hình và phát thanh được yêu cầu ngừng phát sóng các chương trình hằng ngày, chỉ phát những tin do quân đội đưa ra. Dịch vụ internet tại Thái Lan ngừng phục vụ từ 21h30 tối 22/5.

Cuộc đảo chính diễn ra trong lúc các đảng phái và phong trào chính trị ở Thái Lan vẫn đang tiếp tục đàm phán để tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn nửa năm qua. Hai ngày đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập tiếp tục rơi vào ngõ cụt.

Ngay trước khi tuyên bố đảo chính, các binh sĩ vũ trang ngồi trên xe quân sự đã chốt chặn quanh các địa điểm nơi các chính khách đang hội họp, rõ ràng nhằm ngăn những người bên trong rời đi.

Cuộc đảo chính ngày 22/5 là chính biến quân sự thứ 12 kể từ năm 1932 tại Thái Lan. Năm 2006, quân đội lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Giới quân sự Thái Lan được nhìn nhận ủng hộ phe đối lập tìm cách lật đổ chính phủ hiện hành.

Nhiều chính khách hàng đầu đã được triệu tập đến cuộc họp trên. Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Niwuttamrong Boonsongpaisan đã cử 4 bộ trưởng tới dự thay.

Cuộc họp còn có mặt thủ lĩnh phe đối lập chống chính phủ Suthep Thaugsuban và thủ lĩnh phe “áo đỏ” Jatuporn Prompan. Các phóng viên có mặt tại cuộc họp nói rằng, hai ông Suthep và Jatuporn đã được binh lính đưa khỏi phòng họp. Bốn bộ trưởng tham dự cuộc gặp cũng được quân đội đưa đi.

“Những người còn lại vẫn an toàn. Tuy nhiên, tình hình rất đáng lo ngại. Chúng tôi phải giám sát chặt mọi diễn biến và không biết chuyện gì có thể xảy ra”, một quan chức chính phủ nói với AP.

Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin, ông Niwuttamrong Boonsongpaisan đã từ chối đến cuộc họp này, vì cho rằng ông là thủ tướng và không cần tham dự cuộc họp do tư lệnh quân đội chủ trì. Sau cuộc đảo chính, hiện chưa rõ ông đang ở đâu. Theo The Nation, sau khi quân đội tuyên bố lật đổ chính phủ, những người biểu tình “áo đỏ” tập trung tại Aksa đã trở về nhà và quân đội đang kiểm soát khu vực này.

Ngày 22/5, người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Ravina Shamdasani, nói rằng, việc quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật và các mệnh lệnh quân sự có thể vi phạm quyền của người dân.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Thái Lan tuân theo Hiến pháp và tiến hành bầu cử, tôn trọng các quyền cơ bản và sự tự do của người dân.

Theo Theo The Nation, AP
MỚI - NÓNG