Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trên 'bàn cờ' Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ảnh: VOA News
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ảnh: VOA News
TPO - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong chuyến thăm 2 ngày tới nước này sau khi có chuyến thăm tới các nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Vấn đề Triều Tiên một lần nữa trở thành tâm điểm thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Sau một loạt các cuộc gặp gỡ giữa ông Tillerson với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã cam kết phối hợp cùng nhau để giải quyết mối đe dọa về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Tillerson nói: “Tôi cho rằng chúng tôi chia sẻ quan điểm chung và ý thức rằng các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã dâng cao, mọi việc đã lên tới mức khá nguy hiểm.

Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để xem liệu chúng tôi có thể khiến chính phủ Bình Nhưỡng mong muốn thay đổi đường hướng của họ, sửa chữa các hành động và không phát triển vũ khí hạt nhân nữa hay không”.

Đáp lời ông Tillerson, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên, bao gồm những người bạn của chúng tôi ở Mỹ, có thể đánh giá tình hình một cách toàn diện với ‘cái đầu lạnh’ và đưa ra quyết định sáng suốt”. 

Trước đó, khi ở thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Tillerson đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn nhất từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ không theo đuổi cách tiếp cận kiên nhẫn chiến lược “sai lầm” và cảnh báo rằng hành động quân sự của Mỹ với Triều Tiên là một lựa chọn “đang được thảo luận”.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Tillerson nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu một loạt biện pháp an ninh và ngoại giao mới. Tất cả các lựa chọn đang được đưa ra thảo luận”. 

So sánh ngôn từ của ông Tillerson nói về vấn đề Triều Tiên khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc dễ dàng nhận thấy, ông Tillerson đã sử dụng ngôn từ được cho là “mềm dẻo” khi tiếp xúc với ông Vương Nghị, người đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ nhất trước những phát biểu mang tính chất “diều hâu” của ông Tillerson và Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, ngày 17/3, trên mạng Twitter, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh không sử dụng ảnh hưởng của họ với tư cách một đối tác ngoại giao và thương mại chủ chốt của Triều Tiên. Ông Trump viết: “Triều Tiên đang hành xử vô cùng tồi tệ. Họ đã ‘chơi khăm’ Mỹ trong nhiều năm qua. Trung Quốc gần như không hành động gì để giúp đỡ”. 

Trước những chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc cũng đã có những hành động thể hiện sự “cứng rắn” đối với Triều Tiên.

Tháng 2/2017, Trung Quốc đã tiến hành biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay, đó là tạm dừng việc nhập khẩu than từ Triều Tiên từ nay đến hết năm 2017. Cũng phải nói thêm rằng, xuất khẩu than sang Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ chính của chính quyền Bình Nhưỡng. Động thái này của Trung Quốc khiến các chuyên gia cho rằng việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc không làm gì trong vấn đề Triều Tiên là điều vô lý. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Hiện không hề có một công thức "diệu kỳ" nào. 

Phải chăng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa “tung hết bài” trong vấn đề Triều Tiên. Việc Trung-Mỹ thể hiện một giọng điệu “thân mật” có lẽ hai nước đang tiến hành các cuộc “mặc cả” nhằm mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4 tới tại Mỹ. 

Điều đó cũng cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những tính toán của mình trên 'bàn cờ' Triều Tiên.

MỚI - NÓNG