Toan tính của ông Trump khi tuyên bố rút quân khỏi Syria

Quân đội Mỹ ở Syria.
Quân đội Mỹ ở Syria.
TPO - Tìm kiếm lợi ích tối đa thông qua đàm phán, gây áp lực lên Nga trên nhiều phương diện và để Nga "dọn rác" trong cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 7 năm trời tại chiến trường Syria là những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump toan tính khi tuyên bố sớm rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường này.

Ông Trump tuyên bố sớm rút quân đội Mỹ khỏi Syria

Tuyên bố quân đội Mỹ sẽ sớm rời khỏi Syria được Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ trong một bài phát biểu trước các công nhân ở Tiểu bang Ohio.

Trong đó ông Trump nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ rời khỏi Syria rất sớm thôi. Hãy để cho những người khác lo liệu".

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không nói rõ những ai sẽ có thể lo liệu được cho Syria trong bối cảnh cả Nga và Iran đều đang triển khai các lực lượng lớn tại quốc gia Trung Đông này để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cho biết binh sĩ Mỹ sắp giành lại được tất cả phần lãnh thổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng kiểm soát.

“Rất sớm, rất sớm chúng ta sẽ rút quân. Chúng ta sẽ tái chiếm 100% lãnh thổ IS kiểm soát”, theo ông Trump.

Ngoài ra, ông Trump cam kết Mỹ tiếp tục tập trung vào chi tiêu ngân sách hướng đến tạo thêm công ăn việc làm và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho nước nhà. “Chúng ta đã chi 7 nghìn tỉ USD ở Trung Đông, nhưng chúng ta được gì? Chẳng được gì cả”, ông Trump tuyên bố.

Tuyên bố của ông Trump hoàn toàn trái ngược với chiến lược của Mỹ công bố hồi tháng 1.2018. Khi đó, cựu ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố Mỹ phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Syria đề phòng nguy cơ IS và mạng lưới khủng bố al-Qaeda quay trở lại, đồng thời ngăn chặn Iran có cơ hội tăng cường vị thế ở Syria.

Tìm kiếm lợi ích thông qua đàm phán

Đối với Mỹ, động lực tồn tại hay nói cách khác lý do về mặt pháp lý cho sự hiện diện của Mỹ tại Syria chính là cuộc chiến nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thông qua cuộc chiến này Mỹ muốn đảm bảo sự trợ giúp cho chính phủ Iraq và khiến cho lực lượng IS không thể hoành hành và thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào chính nước Mỹ và các nước phương Tây.

Tuy nhiên, sau khi lực lượng IS bị đánh bại, cũng đồng nghĩa với cuộc chiến IS kết thúc, câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ làm gì tiếp theo tại chiến trường Syria thời kỳ hậu IS.

Một số nhà hoạch định chính sách của Nhà Trắng cho rằng, trong bối cảnh cục diện quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ-Iran vẫn căng thẳng, quân đội Mỹ cần phải tiếp tục ở lại Syria, đặc biệt là duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Syria nhằm mục đích ngăn chặn "chiến lợi phẩm" rất khó khăn mới giành được rơi vào tay kẻ thù.

Tuy nhiên, tư duy này hiện đã lỗi thời, trong bối cảnh Nga và chính quyền của Tổng thống Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria. Nếu Mỹ vẫn "cố đấm ăn xôi" tại Syria, không những Mỹ tiếp tục lún sâu vào cuộc nội chiến, mà thậm chí còn chẳng được gì khi bước vào giai đoạn đàm phán tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến.

Trong bối cảnh hiện nay, tại chiến trường Syria, Mỹ thực sự ở vào thế "hạ phong" so với Nga.

Chính vì vậy, biện pháp tốt nhất của Mỹ lúc này là thông qua đàm phán, rút quân đội khỏi Syria. Và đây chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sớm rút quân Mỹ khỏi chiến trường Syria.

Việc rút quân khỏi Syria sẽ giúp cho Mỹ có thời gian và tiềm lực lớn mạnh hơn để đặt trọng điểm vào những kế hạch dài hơi hơn, qua đó đảm bảo cho Mỹ ở vào vị trí chủ động và có lợi trong bàn cờ Syria thời kỳ hậu chiến.

Điều chỉnh chính sách đối với Nga

Các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi ích thực sự của Mỹ tại Syria chính là đạt được phương án giải quyết thông qua đàm phán, đảm bảo thu được lợi ích trên chiến trường, sau đó rút quân khỏi nước này.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ cần phải tìm được tiếng nói chung với Nga-quốc gia có vai trò quyết định tới cục diện địa-chính trị tại Syria.

Và để làm được việc này, không còn cách nào khác ngoài việc Mỹ phải thừa nhận một thực tế mà Mỹ không dễ dàng chấp nhận đó là chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad.

Hơn nữa cả Mỹ và Nga đều không muốn bùng phát xung đột giữa quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hẫu thuận. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria cũng đồng nghĩa với việc sẽ giúp tháo gỡ cục diện căng thẳng giữa chính quyền Damascus với người Kurd, đồng thời cũng giúp làm ly gián mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đặc biệt là nhằm gây ảnh hưởng lên tiến trình hòa bình Trung Đông do Nga hậu thuẫn.

Việc rút quân Mỹ khỏi Syria có thể giúp chính quyền Washington gia tăng áp lực lên chính quyền Damascus, Moscow và Tehran.

Thông qua việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, Mỹ muốn yêu cầu Nga phải phát huy vai trò thúc giục các đồng minh của mình là Damascus và Tehran, và cả đối đối tác hợp tác của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu triển khai các kế hoạch đàm phán chính thức với  Lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn.

Hiện nay mặc dù đã giải phóng được phần lớn lãnh thổ Syria từ tay lực lượng IS, tuy nhiên, sau 7 năm nội chiếm đẫm máu những gì còn sót lại tại Syria chỉ là những bạo loạn, nền kinh tế không khởi sắc, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.

Mỹ rút quân đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải tham gia nhiều hơn vào các vấn đề Syria, đặc biệt là công việc tái thiết Syria. Thông qua đó, Mỹ dành tiềm lực cho việc thiết lập liên minh quản lý tại Trung Đông và châu Âu.

Như vậy, sự thay đổi chính sách này của Mỹ không phải là một thất bại, mà là một sự chấp nhận đối với hiện thực.

Mục đích của Mỹ là điều chỉnh lại chính sách đối với Nga, kiềm chế các đồng minh của Nga ở Trung Đông, qua đó trực tiếp gia tăng sức ép lên Nga trên nhiều phương diện, bao gồm để cho Nga phải gánh hậu quả nặng nề từ cuộc nội chiến kéo dài 7 năm đầy khói lửa tàn bạo tại Syria, qua đó giúp Mỹ củng cố quanheej với các đồng minh của mình tại Trung Đông và châu Âu.

Trong phạm vi toàn cầu, việc rút quân khỏi Syria sẽ giúp Mỹ sử dụng lực lượng lớn mạnh của mình vào những mục tiêu dài hạn hơn, và tránh được vũng lầy Syria.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".