Tội bất hiếu ở Ấn Độ bị phạt tù

Tội bất hiếu ở Ấn Độ bị phạt tù
TP - Ấn Độ là quốc gia có truyền thống tôn trọng và hiếu kính người già. Tuy nhiên, hiện truyền thống tốt đẹp này đang ngày mai một dần. Chính phủ nước này phải ban hành các đạo luật để trừng phạt những kẻ bất hiếu.
Tội bất hiếu ở Ấn Độ bị phạt tù ảnh 1
Người già ở Ấn Độ luôn được kính trọng

Theo “Thời báo Ấn Độ”, hồi đầu năm ngoái ở thành phố miền Nam Hadejapa xảy ra một sự kiện bất ngờ: Khi các công nhân lò thiêu chuẩn bị hoả thiêu thi hài một cụ già thì bất ngờ phát hiện người vẫn sống.

Khi được cứu thoát, cụ già kêu khóc: “Tôi không muốn sống nữa, cứu tôi làm gì?”. Thì ra ông cụ 75 tuổi này có một gia đình đông đúc, nhưng sau khi phát hiện cụ bị ung thư, đám con bất hiếu đã không chịu bỏ tiền ra thuốc thang chữa chạy cho cha già. Đau khổ và tuyệt vọng, cụ đã đến vờ chết ở gần khu lò thiêu.

Hiện nay ở Ấn Độ, những tin tức về con cái bất hiếu trên báo chí ngày một nhiều. Báo “Điện tín” ở Jarta hồi cuối năm 2007 đăng một câu chuyện bi thảm: cảnh sát thành phố này đã bắt giam một gã đàn ông trung niên vì đã lừa bán thận của người cha già.

Theo lời khai của gã con khốn nạn này thì y lừa cha đến bệnh viện khám bệnh, nhưng thực ra là kiểm tra tình trạng thận của cha để tính bán kiếm ít tiền.

Điều đáng sợ là nhiều bệnh viện lên tiếng cho biết các vụ lừa bán thận của cha mẹ già như thế không phải là chuyện hiếm.

Theo tổ chức từ thiện “Giúp đỡ người già” thì chỉ trong tháng 11/2007 họ đã thu gom được hơn 300 cụ già bị bỏ rơi. Phần lớn các cụ bị con cái chiếm mất nhà rồi đuổi ra đường.

Người phát ngôn của tổ chức này nói, trước đây ở Ấn Độ, mấy thế hệ sống hoà hợp dưới một mái nhà là điều bình thường, còn hiện nay, thu nhập thì tăng nhưng con cái lại không muốn sống chung cùng cha mẹ.

Do ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng hưởng lạc kiểu phương Tây, thế hệ trẻ ngày càng coi người già là gánh nặng và xa rời họ. Các nhà ga và công viên thường là nơi những kẻ làm con bất hiếu mang cha mẹ đến bỏ rơi.

Ngày 6/12/2007, quốc hội Ấn Độ đã thông qua “Luật người già” áp dụng cho những gia đình có người từ 60 tuổi trở lên. Theo luật này, con cái phải có trách nhiệm đối xử tốt với cha mẹ già, nếu không sẽ bị phạt tiền, nặng thì bị phạt tù giam 1 tháng.

Bộ trưởng Công bằng xã hội Kuma nói: Mục đích của đạo luật này chưa nhằm trừng phạt mà nhằm chuyển đến những người có cha mẹ già tín hiệu cảnh báo để giúp họ uốn nắn quan niệm đạo đức lệch lạc. Luật này cũng đề xuất việc cổ vũ gia đình dưỡng lão và chính phủ xây dựng thêm nhiều viện dưỡng lão.

Báo chí Ấn Độ đánh giá ý nghĩa của đạo luật này là ở chỗ chuẩn bị cho tương lai. Hiện nay trong số 1,1 tỷ người Ấn Độ thì người dưới 25 tuổi chiếm 51%, 2/3 dân số dưới tuổi 35.

Nhưng đồng thời số người già cũng đang gia tăng rất nhanh: hiện nay có trên 81 vạn người 60 tuổi trở lên, đến 2016 số người già đã là 113 triệu, đến 2026 là 179 triệu người.

Nhiều tổ chức phi chính phủ giúp đỡ người già đều bày tỏ hoan nghênh đạo luật này, nhưng cũng có ý kiến cho rằng tác dụng của nó rất hạn chế vì nhiều người già thà bị con cái ngược đãi chứ không muốn thấy con cái bị pháp luật trừng phạt vì tội bất hiếu.

Phương Lan
Theo Hoàn Cầu

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.