Tổng Giám đốc IMF dồn sức cho cuộc chiến pháp lý

Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ - phóng viên truyền hình nổi tiếng Anne Sinclair Ảnh: DPA
Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ - phóng viên truyền hình nổi tiếng Anne Sinclair Ảnh: DPA
TP - Ngày 19-5, Tổng Giám đốc Dominique Strauss Kahn gửi đơn lên ban lãnh đạo Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin từ chức có hiệu lực tức khắc, để ông dành toàn bộ sức lực và tâm trí để chứng minh mình không cưỡng bức cô hầu phòng khách sạn tại Mỹ.

> Quỹ Tiền tệ Quốc tế có Tổng Giám đốc mới

Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ - phóng viên truyền hình nổi tiếng Anne Sinclair Ảnh: DPA
Ông Dominique Strauss-Kahn và vợ - phóng viên truyền hình nổi tiếng Anne Sinclair. Ảnh: DPA.

Trong đơn từ chức được IMF công bố, Strauss Kahn nói rằng, ông cảm thấy buồn vô hạn khi phải viết đơn từ chức. Ông cũng bày tỏ cương quyết “bằng tất cả những gì vững chắc nhất” phủ nhận mọi lời buộc tội ông tấn công tình dục cô hầu phòng người Guinea ở khách sạn Sofitel tại thành phố New York (Mỹ).

Trong đơn từ chức, ông Strauss Kahn viết: “Lúc này đây, tôi nghĩ trước hết đến vợ tôi - người mà tôi yêu hơn bất cứ thứ gì trên đời, đến các con tôi, gia đình và bạn bè tôi. Tôi cũng nghĩ tới các đồng nghiệp của mình đang làm việc tại IMF”. Tổng Giám đốc Strauss Kahn nói rằng, ông từ chức là nhằm bảo vệ IMF và dành mọi sức lực để chứng minh mình vô tội.

Sau khi nộp đơn từ chức, Tổng Giám đốc Strauss Kahn lại nộp đơn lên tòa hình sự quận Manhatan (New York) xin được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Trước đó, ông nêu yêu cầu này với các thẩm phán New York nhưng không được chấp nhận vì họ cho rằng, ông bị tình nghi phạm tội ác nghiêm trọng.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, Tổng giám đốc Strauss Kahn có thể được trả lại tự do ngay tại tòa nếu trong phiên tòa chính thức đầu tiên (ngày 20-5) xem xét vụ kiện ông cưỡng bức tình dục với cô hầu phòng, các thẩm phán không đưa ra được chứng cứ buộc tội.

Bí mật trong chiếc chìa khóa phòng

Các nhân viên điều tra hôm 19-5 cho rà soát lại toàn bộ số liệu và thông tin nghi án cưỡng bức tình dục bất thành liên quan Tổng Giám đốc IMF Strauss Kahn. Phòng ở khách sạn của ông Strauss Kahn sử dụng chìa khóa dạng thẻ thông minh cho phép hệ thống lưu trữ thông tin liên quan mở và đóng cửa phòng.

Từ hệ thống chìa khóa này, cảnh sát xác định cô hầu phòng Guinea dùng chìa khóa chủ của tổ dọn phòng mở cửa vào phòng của ông Strauss Kahn chỉ một chút sau 12 giờ trưa. Ông Strauss Kahn rời phòng lúc 12 giờ 28 phút.

Camera bảo vệ của khách sạn ghi được hình ảnh ông Strauss Kahn sau khi ra khỏi phòng đã không qua quầy lễ tân làm thủ tục trả phòng mà vội vàng ra cửa khách sạn bắt một chiếc taxi màu vàng ra thẳng sân bay JFK lúc 12 giờ 30. Tuy nhiên, phải đến 13 giờ 32 phút cảnh sát mới nhận được điện thoại của tổ an ninh khách sạn qua số máy khẩn cấp 911 báo về nghi án cưỡng bức tình dục bất thành.

Cảnh sát Mỹ dẫn lời các nhân chứng cho biết, sau khi chạy thoát ra ngoài, bị hại đã báo ngay sự vụ cho đồng nghiệp ở khách sạn. Do bị hại hoảng loạn và khóc quá nhiều, các nhân viên an ninh khách sạn cũng bị choáng vì tính nghiêm trọng của vụ việc và họ phải động viên cô để lấy đủ thông tin trước khi điện thoại báo cảnh sát. Chỉ 13 phút sau khi nhận được thông báo, cảnh sát đã có mặt tại phòng khách sạn nơi được cho là hiện trường vụ nghi án.

Tuy nhiên, trong đơn xin nộp tiền bảo lãnh tại ngoại của ông Strauss Kahn, các luật sư nói rằng, thân chủ của họ trả phòng lúc 12 giờ 28 phút để 12 giờ 45 ăn trưa cùng con gái của ông (một nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, New York). Cảnh sát cho biết, họ đang điều tra quá trình ông Strauss Kahn di chuyển từ khách sạn ra sân bay có dừng ở chỗ nào và gặp ai hay không.

Lúc 15 giờ 30 phút, có thể ông Strauss Kahn từ sân bay JFK điện thoại cho lễ tân khách sạn hỏi xem ông có bỏ quên thứ gì ở khách sạn hay không. Trên thực tế, ông đi quá vội nên để quên điện thoại.

Lúc đó, cảnh sát đã có mặt tại quầy lễ tân khách sạn, yêu cầu nhân viên lễ tân trả lời rằng ông bỏ quên điện thoại và đề nghị cho biết ông đang ở đâu để cho người mang điện thoại tới. Tổng Giám đốc IMF nói rằng, ông đang ở sân bay JFK. Ngay lập tức, cảnh sát điện thoại cho cảng vụ hàng không sân bay JFK đề nghị làm trễ chuyến bay của ông Strauss Kahn và bỏ sẵn hành lý ký gửi của ông ra ngoài máy bay.

Khi cảnh sát Mỹ tới sân bay JFK lúc 16 giờ 30 phút, một số nhân viên cảng vụ lên máy bay nhẹ nhàng mời ông Strauss Kahn xuống. Vừa bị dẫn ra khỏi cửa máy bay, ông liền bị trao cho cảnh sát, còng tay, áp giải lên một ô tô không biển số chạy thẳng tới đồn cảnh sát khu Harlem nơi các chuyên gia về tội phạm xâm hại tình dục đang chờ sẵn.

Nguyễn Đại Phượng (Tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG