Tổng thống bị bắt chở ra nước ngoài

Tổng thống bị bắt chở ra nước ngoài
TP - Tổng thống Honduras Manuel Zelaya bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự sáng sớm hôm 28/6 (giờ Trung Mỹ).
Tổng thống bị bắt chở ra nước ngoài ảnh 1
Binh lính Honduras đột nhập Dinh Tổng thống để bắt cóc Tổng thống Zelaya tống lên máy bay. Ảnh: AP

Sự việc xảy ra khi một đơn vị quân đội đột nhập dinh Tổng thống, tước vũ khí của cận vệ, xông vào bắt Tổng thống Manuel Zelaya tống vào một chiếc xe thùng, đưa ra sân bay quân sự chở sang Costa Rica.

Tại Costa Rica, Tổng thống Zelaya kể lại với kênh  truyền hình Telesur của Venezuela rằng, rạng sáng 28/6 khi đang ngủ say ông bỗng giật mình vì những tiếng súng nổ. Tiếp đó, một nhóm binh lính bịt mặt ập vào phòng của ông, tước điện thoại di động của Tổng thống, chở ông ra sân bay, cưỡng bức vào một chiếc máy bay quân sự.

Trong suốt quá trình bay Tổng thống Zelaya không hề biết ông đang bị chở đi đâu. Chỉ đến khi máy bay đáp xuống sân bay San Jose, Tổng thống Zelaya mới biết rằng ông bị cưỡng chế cư trú tại Costa Rica.

Trong khi Tổng thống Zelaya bị cưỡng chế đưa ra nước ngoài, tại thủ đô Tegucigalpa hệ thống cung cấp điện bị tê liệt theo lệnh của lực lượng đảo chính, máy bay quân sự gầm rú trên bầu trời thủ đô trong khi dưới đường phố xe tăng, xe bọc thép quần thảo thị uy.

Tất cả các tòa nhà chính của Chính phủ Honduras đều bị lực lượng đảo chính chiếm giữ. Bộ trưởng Ngoại giao Honduras Patici Rodas và thị trưởng thành phố San Pedro Sula lớn thứ hai ở Honduras cùng bị bắt đưa tới giam giữ tại một căn cứ quân sự. Lực lượng đảo chính tuyên bố thiết quân luật bắt đầu từ chín giờ tối mỗi ngày.

Các đài phát thanh và truyền hình vốn ủng hộ Tổng thống Zelaya đều bị ngừng phát sóng. Các đài phát thanh và truyền hình khác không có chương trình tin. Chỉ những người nào truy cập được vào mạng Internet và truyền hình cáp mới có thể theo dõi diễn biến tình hình Honduras sau đảo chính.

Sau khi Tổng thống Zelaya bị lật đổ, cưỡng bức lên máy bay chở ra nước ngoài, buổi chiều cùng ngày Quốc hội Honduras triệu tập phiên họp khẩn cấp để nghe đọc một cái gọi là thư từ chức của Tổng thống Zelaya rồi bỏ phiếu thông qua.

Tiếp đó, Quốc hội bầu đương kim Chủ tịch Quốc hội Roberto Micheletti làm Tổng thống thay cho ông Zelaya. Phe quân sự không giải thích vì sao họ làm đảo chính, trong khi Tòa án Tối cao nhanh chóng ra tuyên bố nói rằng hành động của phe quân sự là để bảo vệ Hiến pháp.

Tổng thống Zelaya năm nay 56 tuổi được bầu lên một cách dân chủ và hợp hiến. Từ Costa Rica, Tổng thống Zelaya khẳng định với các phóng viên ông không hề viết lá thư nào để xin từ chức.

Thời gian qua, Honduras rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trong đó mâu thuẫn giữa Tổng thống và Quốc hội ngày càng sâu sắc. Theo qui định của Hiến pháp hiện hành, mỗi tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ bốn năm. Ông Zelaya muốn kéo dài giới hạn thời gian nhiệm kỳ nên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân dự định vào ngày Chủ nhật (28/6) đúng ngày xảy ra đảo chính.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, Tòa án Tối cao Honduras đã công bố cuộc trưng cầu ý dân về mở rộng giới hạn thời gian nhiệm kỳ tổng thống do ông Zelaya tổ chức là vi hiến. Trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự một tuần, Quốc hội Honduras cũng tuyên bố không ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân của Tổng thống Zelaya. Đến khi quân đội Honduras bày tỏ không ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân thì Tổng thống Zelaya liền cách chức Đại tướng Romeo Vasquez-Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Honduras.

Tòa án Tối cao nước này liền ra phán quyết hủy bỏ lệnh của Tổng thống Zelaya về việc cách chức Tổng tham mưu trưởng Romeo Vasquez, đồng thời tuyên phục hồi chức vụ cho vị Đại tướng này.

Honduras có quan hệ quân sự tốt đẹp với Mỹ, thể hiện ở chỗ Mỹ có căn cứ không quân đóng ở Honduras. Quân đội Mỹ hiện đang huấn luyện cho các lực lượng quân đội Honduras về quân sự và về hoạt động chống ma túy, tìm kiếm và cứu nạn cũng như thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thảm họa thiên tai.

Sau cuộc đảo chính, Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ ra tuyên bố vẫn công nhận chính phủ Honduras vừa bị lật đổ của ông Zelaya. Tổ chức này kêu gọi Tổng thống Zelaya về nước đồng thời khẳng định không công nhận bất cứ chính phủ nào khác ở Honduras.

Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các quan chức Honduras tôn trọng các chuẩn mực dân chủ. Ông nói rằng mọi căng thẳng và tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại tự do mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tỏ ra tức giận, tuyên bố cuộc đảo chính là bất hợp pháp.

Nguyễn Đại Phượng
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.