Tổng thống Hàn Quốc ví thuyền trưởng phà đắm như sát nhân

Thuyền trưởng Lee Joon-seok (giữa) nhảy khỏi tàu, trong khi vẫn hướng dẫn hành khách ngồi yên. Ảnh: Yonhap
Thuyền trưởng Lee Joon-seok (giữa) nhảy khỏi tàu, trong khi vẫn hướng dẫn hành khách ngồi yên. Ảnh: Yonhap
TP - Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 21/4 chỉ trích hành vi của thuyền trưởng của chiếc phà đắm “giống như giết người”. Trong khi đó, thêm bốn thành viên thủy thủ đoàn bị bắt với cáo buộc lơ là trách nhiệm và vi phạm quy định về cứu hộ.

Bà Park nói với các trợ lý rằng, hành động của thuyền trưởng và một số thành viên thủy thủ đoàn là “hoàn toàn không thể hiểu nổi, không chấp nhận được và không khác gì hành động giết người”, Yonhap dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

“Thuyền trưởng không tuân thủ lệnh sơ tán hành khách của trạm điều khiển giao thông tàu thuyền... và đã bỏ chạy trước trong khi vẫn bảo hành khách ngồi yên trên ghế. Đây là điều không bao giờ có thể tưởng tượng được về mặt pháp lý hay đạo đức”, Tổng thống Park nói. Những người mắc sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm “hình sự và dân sự”, bất chấp cấp bậc gì, bà khẳng định.

Tính đến tối qua, tổng số người tử vong là 87, trong đó có 3 người nước ngoài (1 học sinh Nga và 2 người đàn ông Trung Quốc), số người mất tích là 215. Có 174 hành khách và phần lớn thành viên thủy thủ đoàn được cứu khi Sewol bị lật trong hành trình từ thành phố Incheon ở vùng tây bắc xuống đảo Jeju ở miền nam. Có tất cả 476 hành khách trên phà, trong đó có 339 học sinh và giáo viên của một trường trung học. Nhiều người bị kẹt bên trong khi phà nghiêng về một bên rồi chìm dần.

Hôm qua, sau khi vào được bên trong phà Sewol bị đắm hôm 16/4, đội thợ lặn tiếp tục trục vớt thi thể. Phát ngôn viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc nói rằng, các thợ lặn giờ đang tập trung vào boong thứ ba và thứ tư để tìm kiếm người mất tích. Hai tàu lặn không người lái của Mỹ đã được triển khai tại khu vực này để tìm kiếm, BBC đưa tin.

Thuyền trưởng từng bị chìm tàu ở Nhật

Cảnh sát đã tiếp cận được hàng trăm tin nhắn do hành khách và thủy thủ đoàn gửi đi, để từ đó làm rõ trình tự những việc xảy ra trong những giây phút cuối cùng của chiếc phà. Thông tin chi tiết về sự sợ hãi và không quyết đoán của thủy thủ đoàn được công bố hôm 20/4, khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đưa ra đoạn hội thoại giữa một số thành viên thủy thủy đoàn và đơn vị kiểm soát giao thông đường thủy.

Theo những hội thoại này, điều trớ trêu là phải mất hơn 2 giờ, Sewol mới chìm hẳn, nhưng hành khách vẫn được lệnh phải ngồi yên.

Trong khi đó, thuyền trưởng có thể đã nhảy khỏi chiếc phà đang chìm, sau khi giao nhiệm vụ liên lạc cho thuyền phó thứ nhất, cho dù các nhân viên trạm điều khiển nói với thuyền trưởng hãy “quyết định cách tốt nhất để sơ tán hành khách” và ông ta phải là người “quyết định cuối cùng về việc có sơ tán hay không”. Nhiều người thoát thân là nhờ họ không nghe thấy hoặc bất chấp hướng dẫn ngồi yên mà nhảy khỏi chiếc phà đang chìm dần.

Thuyền trưởng Lee từng xuất hiện trong một video quảng bá cho hành trình cách đây 4 năm, trong đó, ông này nói rằng đi bằng phà là cách di chuyển an toàn nhất, nếu hành khách tuân thủ hướng dẫn của thủy thủ đoàn.

Sau khi thuyền trưởng Lee Joon-seok và hai thành viên thủy thủ đoàn bị buộc tội lơ là nhiệm vụ và vi phạm luật hàng hải, bốn thành viên khác của thủy thủy đoàn, trong đó có thuyền phó thứ nhất, thuyền phó thứ hai và kỹ sư trưởng, bị bắt hôm 21/4 và tạm giam 30 ngày với cáo buộc không thể bảo vệ hành khách.

Trong số người bị bắt có thuyền phó họ Kang, người đã liên lạc với Trung tâm Giao thông Tàu thuyền Jindo trong những phút cuối trước khi phà chìm. Ngoài ra, Giám đốc Cty Vận hành phà Chonghaejin Marine và cổ đông lớn nhất của hãng này bị cấm rời khỏi đất nước, Yonhap đưa tin.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Jeju Ngày nay năm 2004, thuyền trưởng Lee nói về các tình huống nghẹt thở trên biển, như việc đi qua một trận bão, chìm tàu ở ngoài khơi Nhật Bản… “Con tàu đầu tiên tôi lái là tàu chở hàng và nó đã bị lật ở gần đảo Okinawa. Một trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cứu tôi. Nếu không có họ giúp đỡ, tôi đã không có mặt ở đây”, ông Lee nói trong bài phỏng vấn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.