Tổng thống Mỹ đề xuất giảm tiền cho ngoại giao, tăng chi quốc phòng

Tổng thống Mỹ đang muốn tăng ngân sách quốc phòng. Trong ảnh: Năm 2015, ứng viên tổng thống Donald Trump được các học viên Trường Quân đội Citadel tặng một khẩu súng trường (súng giả trông như thật). Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ đang muốn tăng ngân sách quốc phòng. Trong ảnh: Năm 2015, ứng viên tổng thống Donald Trump được các học viên Trường Quân đội Citadel tặng một khẩu súng trường (súng giả trông như thật). Ảnh: Getty Images.
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ giảm mạnh ngân sách chi cho hoạt động của Bộ Ngoại giao và các chương trình viện trợ phát triển để dành tiền đầu tư cho quốc phòng, xây bức tường biên giới với Mexico, chi nhiều hơn cho việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Theo đề xuất ngân sách của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) là hai cơ quan chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đề xuất ngân sách liên bang do Tổng thống Trump đưa ra. Ngoài ra, ngân sách cho 19 cơ quan độc lập hoạt động trong lĩnh vực truyền thông công cộng, nghệ thuật và các vấn đề khu vực cũng bị cắt giảm.

Tổng thống Mỹ muốn chi thêm 54 tỷ USD cho quốc phòng, 1,5 tỷ USD để xây dựng một phần bức tường biên giới với Mexico và sẽ bổ sung 2,6 tỷ USD để xây thêm trong năm tài khóa 2018. Ông Trump trước đây tuyên bố sẽ buộc Mexico phải chi tiền xây tường, nhưng chính phủ Mexico không chịu. Nhà Trắng gần đây nói rằng, Mỹ sẽ khởi động trước.

Bộ An ninh nội địa sẽ được tăng thêm 6,8% ngân sách hoạt động, bao gồm tăng tiền cho nhân sự để bắt giữ, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Ông Trump đề nghị Quốc hội giảm 31% ngân sách dành cho EPA, tương đương 2,6 tỷ USD; giảm hơn 28% chi tiêu của Bộ Ngoại giao, tương đương 10,9 tỷ USD. Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng, ông Mick Mulvaney, nói rằng, “những chức năng cốt lõi” của các cơ quan này sẽ được giữ nguyên. Nhưng tiền dành cho tài trợ nước ngoài, tiền cho các tổ chức phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới và các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ bị giảm mạnh.

Tổng thống Mỹ cũng muốn từ bỏ hơn 50 chương trình của EPA, chấm dứt rót tiền cho Chương trình năng lượng sạch từ thời Tổng thống Barack Obama nhằm giảm phát thải khí carbon dioxide, cắt giảm các chương trình nghiên cứu năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng.

Các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng của Bộ Nhà ở, 20 chương trình của Bộ Giáo dục cũng bị cắt giảm ngân sách. Những khoản dành cho hoạt động xóa đói giảm nghèo, giúp người nghèo chi trả chi phí năng lượng, giúp người thu nhập thấp tìm việc làm cũng bị cắt. Ngân sách cho Bộ Nông nghiệp cũng bị đề xuất giảm 21%.

Ngoài đề xuất cho năm tài khóa 2018, một kế hoạch bổ sung chi tiêu cho năm tài khóa 2017 cho thấy chính quyền Mỹ dự định xin thêm 30 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng và 3 tỷ USD cho Bộ An ninh nội địa, Reuters đưa tin. Những khoản tiền này sẽ được phân bổ trong năm nay để mua các công nghệ quốc phòng như máy bay chiến đấu F-35, máy bay không người lái, xây bức tường biên giới với Mexico và tăng nơi giam giữ người nhập cư trái phép. Quốc hội Mỹ có thể sẽ xem xét đề xuất chi thêm này cho đến ngày 28/4.

Giảm viện trợ nước ngoài

Theo đề xuất của Nhà Trắng, mức ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID - đang có nhiều chương trình ở Việt Nam) sẽ bị giảm tổng số 25,6 tỷ USD.

Phát biểu tại Tokyo trong chuyến thăm 3 nước Đông Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua nói rằng, mức giảm này là cần thiết để xử lý “mức chi ngân sách cao lịch sử”, để đối phó các xung đột ở nước ngoài mà Mỹ can dự, cũng như hỗ trợ đối phó thảm họa. “Rõ ràng mức chi tiêu của Bộ Ngoại giao Mỹ, đặc biệt trong năm qua, đơn giản là không bền vững. Thời gian tới, Mỹ sẽ ít can dự trực tiếp vào các xung đột quân sự hơn”, ông Tillerson nói. Ông còn nói Mỹ sẽ giảm chi tiêu ngân sách bằng cách thu hút các khoản tiền từ nhiều nước và “những nguồn khác” để đóng góp cho hỗ trợ phát triển và đối phó thảm họa.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa đang kiểm soát có thể bác bỏ nhiều đề xuất cắt giảm chi tiêu cho Bộ Ngoại giao và USAID vì sẽ ảnh hưởng ngân sách hoạt động của các phái đoàn ngoại giao Mỹ, các chương trình chống đói nghèo, thúc đẩy nhân quyền và cải thiện y tế ở các nước khác.

Tháng trước, hơn 120 tướng và đô đốc Mỹ nghỉ hưu gửi thư lên Quốc hội đề nghị giữ nguyên khoản tiền dành cho ngoại giao và viện trợ nước ngoài vì họ cho rằng những hoạt động đó “cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm nước Mỹ được an toàn”. Ngoại trưởng Tillerson nói rằng, sẽ có một cuộc “kiểm tra toàn diện” đối với các chương trình và cấu trúc hoạt động của Bộ Ngoại giao.

Đề xuất ngân sách do ông Trump đưa ra là kế hoạch khung cho mức chi tiêu trong năm tài khóa 2018, bắt đầu ngày 1/11. Đề xuất này được dự đoán gây ra cuộc chiến căng thẳng trong Quốc hội. Trên thực tế, Quốc hội Mỹ hiếm khi chấp thuận đề xuất ngân sách do các tổng thống đề xuất. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã lên tiếng phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho ngoại giao và viện trợ nước ngoài. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch tiểu ban chịu trách nhiệm vấn đề ngân sách của Thượng viện, tuyên bố, đề xuất của ông Trump “sẽ chết trên đường đến Quốc hội”, AP đưa tin.

Một thẩm phán liên bang ở Hawaii, Mỹ vừa quyết định chặn sắc lệnh sửa đổi của Tổng thống Donald Trump về việc cấm nhập cảnh đối với công dân từ nhiều nước Hồi giáo. Một thẩm phán khác ở bang Maryland cũng ra phán quyết cấm áp dụng sắc lệnh của ông Trump, báo Mỹ New York Times đưa tin. Hai phán quyết này tiếp tục là cú đánh mạnh đối với Tổng thống Mỹ khi ông đang theo đuổi chính sách mà ông cho là quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Nỗ lực đầu tiên của ông trong việc ngăn cản công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ cũng thất bại sau phán quyết của tòa án liên bang ở Seattle.

MỚI - NÓNG