Tổng thống Mỹ Trump thăm Ấn Độ: Mũi tên trúng nhiều đích

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phu nhân nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đáp xuống Ahmedabad. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phu nhân nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đáp xuống Ahmedabad. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ấn Độ lần này cố gắng gây ấn tượng mạnh đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất hành tinh đến quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Hàng chục ngàn người tập trung chào đón Tổng thống Mỹ Trump tại Ahmedabad, thành phố thuộc bang cứ địa Gujarat của Thủ tướng Narendra Modi.

“Cuộc đời của Thủ tướng Modi cho thấy triển vọng không giới hạn của đất nước vĩ đại này. Ông ấy khởi đầu từ một người bán trà”, ông Trump ca ngợi Thủ tướng Modi trước 100.000 khán giả tại sân thi đấu bóng chày lớn nhất thế giới. Ông Trump gọi ông Modi là người “thành công lớn” nhưng “rất cứng rắn”.

 Điểm tên các ngôi sao điện ảnh Bollywood và vận động viên bóng chày nổi tiếng của Ấn Độ, ông Trump, với tầm nhìn hướng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, có vẻ đang cố lấy lòng 4 triệu cử tri Mỹ gốc Ấn.

Chuyến thăm diễn ra khi nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Ông Modi đang đối mặt với nhiều chỉ trích trong xử lý vấn đề Kashmir và luật hạn chế quyền công dân của các cộng đồng thiểu số Hồi giáo từ 3 nước láng giềng. 

 “Chuyến thăm này là một cú hích chính trị và là cơ hội tốt để ông Modi ấy xuất hiện trên báo chí.

 Ông ấy sẽ được nhìn thấy trong hình ảnh đứng cạnh nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể nói như vậy”, Tavi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện nghiên cứu Brookings tại Washington, nhận xét.

 Nhưng tiểu lục địa Ấn Độ không hiện diện nhiều trong kế hoạch “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump. Vậy điều gì đưa ông Trump đến Ấn Độ, khi nhà lãnh đạo Mỹ này được biết đến là người ghét những chuyến đi dài? 

 Lấy lòng cử tri

Chuyến thăm được đánh giá là chuyến đi dễ chịu đến một đất nước mà ông Trump không phải đối mặt với những câu hỏi khó, nhưng lại giúp ông dễ dàng ghi điểm chính trị trong nước. 

Một phần mục tiêu của chuyến thăm là xây dựng hình ảnh tích cực trước cử tri Mỹ, trong lúc ông đang nỗ lực cho cuộc đua tái tranh cử vào cuối năm nay. “Những hình ảnh này sẽ được nhóm của ông Trump sử dụng để khẳng định rằng Tổng thống được chào đón khắp thế giới”, bà Madan nói.

Các cử tri Mỹ gốc Ấn có thể chú ý hơn cả. Khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn Độ đang sống ở Mỹ.

Dù có quy mô tương đối nhỏ, người cộng đồng này vẫn là lực lượng chính trị có thể tạo nên khác biệt trong các cuộc bầu tử tổng thống. 

Năm 2016, khảo sát cho thấy chỉ 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump. 

Theo ông Karthick Ramakrishnan, giáo sư về chính sách công tại ĐH California, nỗ lực của ông Trump nhằm xích lại gần Ấn Độ có thể giúp ông có cơ hội tăng tỷ lệ chênh lệch cần thiết. 

Thỏa thuận thương mại

Một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ sau nhiều tháng đàm phán dự kiến là tâm điểm của chuyến thăm này. Nếu đạt được, thỏa thuận sẽ là bàn thắng chính trị lớn đối với ông Trump.
Thương mại song phương Mỹ - Ấn hiện ở mức 160 tỷ USD. Nhưng hy vọng đạt được thỏa thuận giảm dần trong những tuần gần đây khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề tăng thuế, kiểm soát giá và quan điểm của Ấn Độ về thương mại điện tử. 

Còn Ấn Độ muốn được khôi phục địa vị ưu đãi về thuế quan theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập, một hệ thống cho phép đối xử ưu tiên cho hàng hóa từ các nước kém phát triển hơn. Ông Trump thôi cho Ấn Độ hưởng quy chế này từ năm ngoái. 

“Dù một thỏa thuận hạn chế cũng sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cả hai nước...Nhưng tôi không lạc quan sau khi nghe tin từ cả hai phía”, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn Độ Nisha Biswal nói. 

Nhân tố Trung Quốc

Tổng thống Trump khẳng định quan điểm cứng rắn với Trung Quốc là trọng tâm trong thương hiệu chính trị của ông. Mỹ và Ấn Độ chia sẻ nhiều quan ngại về sáng kiến Vành đai Con đường, các hành động của Trung Quốc trên biển Đông và uy tín bấp bênh của các nhà cung cấp Trung Quốc. 

“Tôi không nghĩ chuyến thăm này diễn ra khi không có sự hội tụ chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ về Trung Quốc, đặc biệt là bận tâm về những hành động và ý định của Trung Quốc ở khu vực”, bà Madan nói. 

Khủng hoảng quan hệ Mỹ - Trung có thể tác động xấu lên kinh tế Ấn Độ, nhưng hai siêu cường quá gần nhau có thể đẩy Ấn Độ ra khỏi phương trình. 

Ngược lại, phía Mỹ đang đặt câu hỏi rằng việc Ấn Độ nỗ lực trở nên tự trị chiến lược có trở thành lực cản khi xây dựng quan hệ đối tác thực sự với Mỹ. Cũng có những câu hỏi rằng liệu Ấn Độ có thể vươn lên thành đối trọng của Trung Quốc ở châu Á hay sẽ bị sa vào các vấn đề chính trị nội bộ và tiểu khu vực. 

Khi quan hệ thù địch Mỹ - Trung gia tăng, ông Trump có thể tìm thấy người bạn Modi ở Ấn Độ, người được đánh giá là không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc. 

Bán vũ khí

Báo chí quốc tế đưa tin lãnh đạo Mỹ - Ấn lần này sẽ chứng kiến lễ ký các thỏa thuận quốc phòng nhiều tỷ đô la Mỹ, trong đó có thể bao gồm hợp đồng bán trực thăng cho hải quân Ấn Độ. Trước khi chuyến thăm diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận thương vụ bán hệ thống vũ khí phòng không tích hợp cho Ấn Độ với giá 1,8 tỷ USD. 

Trong lúc đang đa dạng danh sách nhà cung cấp, Ấn Độ nhận ra rằng họ chưa có hợp đồng mua vũ khí đáng kể nào với Mỹ gần đây, trong khi đã mua nhiều từ Nga và Pháp. 

“Ấn Độ và Mỹ đã trở nên gần gũi vì nhiều lý do chiến lược. Ngay cả dưới thời ông Trump, bạn đã thấy hai bên tổ chức các cuộc đối thoại về ngoại giao và quốc phòng”, bà Madan nói. 

Đối với ông Trump, bất kỳ cơ hội nào có thể bán vũ khí Mỹ cũng đều giúp ông khẳng định với cử tri rằng ông đang mang lại việc làm và thúc đẩy ngành công nghiệp “Sản xuất tại Mỹ”.

Theo theo BBC, AP
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.