Tổng thống Nga Putin ‘thắng lớn’ ở Trung Quốc

Tổng thống Nga Putin tham dự G-20 tại Trung Quốc với vị thế cao hơn nhiều so với 2 kỳ Hội nghị thượng đỉnh trước. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Putin tham dự G-20 tại Trung Quốc với vị thế cao hơn nhiều so với 2 kỳ Hội nghị thượng đỉnh trước. Ảnh: Sputnik
TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thể mỉm cười khi bước lên máy bay rời thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, sau hai ngày đầy ắp sự kiện bên trong và bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa kết thúc hôm 5/9.

Ông Putin mỉm cười rời Trung Quốc

Chứng kiến hình ảnh của Tổng thống Nga trong những ngày ở Hàng Châu, Trung Quốc, Timothy Ash, nhà phân tích tín nhiệm thuộc Nomura International, kết luận: “Hình ảnh một Putin tươi cười cho thấy ông chủ Điện Kremlin đã có một kỳ Hội nghị G20 tốt đẹp”.

Lần gần đây nhất Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama đối thoại riêng là tại một hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp, vào năm 2015 và bên lề hội nghị G20 tổ chức ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Hai ông hồi đầu năm nay cũng trao đổi một số lần qua điện thoại.

Theo Timothy Ash, chỉ trong 48 giờ đồng hồ ở Trung Quốc, việc Tổng thống Putin có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Hoàng tử Saudi Arabia Salman bin Saud, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã cho thấy những tín hiệu về việc ông Putin và nước Nga có thể “dần thoát khỏi lạnh giá” trên phương diện ngoại giao.

“Tôi không cho là những cuộc gặp này sẽ mở ra những thỏa thuận lớn trong thời gian tới như ông Putin mong muốn, nhưng ông ấy xem đây là một tín hiệu cho thấy ông ấy có thể thoát khỏi lạnh giá trong ngoại giao”, ông Ash nói.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế phía Đông diễn ra ở thành phố Vladivostok của Nga vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, và cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd.

Nga – Mỹ nói chuyện ở Trung Quốc

Người ta vẫn còn nhớ, tại Hội nghị G20 cách đây hai năm diễn ra ở Australia, việc các quốc gia phương Tây đồng loạt tẩy chay Nga đã khiến bầu không khí của hội nghị ngột ngạt. Tổng thống Nga Putin, dù không muốn, cũng đã buộc phải rời hội nghị sớm hơn thời gian dự kiến sau khi lãnh đạo phương tây chỉ trích Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Một năm sau, Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, bầu không khí đã trở nên nồng ấm hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có cuộc trò chuyện đầu tiên sau nhiều tháng “đóng băng quan hệ”. Và đây chính là tiền đề cho cuộc gặp song phương rất đáng được chờ đợi giữa người đứng đầu hai nhà nước Nga và Mỹ tại Trung Quốc một năm sau.

Đúng như kỳ vọng, gạt qua tất cả những bất đồng, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã có một số cuộc trao đổi cá nhân trước khi tiến hành cuộc hội đàm kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, chỉ ít giờ trước khi bế mạc Hội nghị G-20.

Tuy nội dung không được các bên thông báo đầy đủ, nhưng đại diện Điện Kremlin khẳng định, cuộc họp đi đúng hướng và công việc sẽ tiếp tục. Hai Ngoại trưởng Sergei Lavrov và John Kerry cũng có thời gian để nói chuyện riêng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả cuộc hội đàm với ông Putin là "vô tư, thẳng thắn và rõ ràng". Ông cho hay Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ quân sự với Nga trong cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhưng hiện việc tìm kiếm nền tảng chung vẫn chưa đạt được bước đột phá nào.

Tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Putin tuyên bố: “Quan hệ Nga – Mỹ là không bình thường, chúng tôi muốn khôi phục sự tương tác lẫn nhau trong hình thức đầy đủ”.

Ông Putin cũng xác định Mỹ là một trong những đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực an ninh và ghi nhận rằng các bên đã thực hiện được bước tiến về phía trước là thiết lập hợp tác về Syria.

“Tôi cho rằng chúng ta đã đạt đến hiểu biết lẫn nhau, hiểu biết những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, nhưng còn một số khâu kĩ thuật vẫn cần phải hoàn tất. Nếu các ông Kerry và Lavrov làm được điều đó, thì tức là chúng ta sẽ thực hiện thêm được một bước tiến nữa trong việc giải quyết vấn đề Syria”, ông Putin nói.

Trung Quốc giúp Nga khôi phục vị thế

Hôm 3/9, một ngày trước khi khai mạc Hội nghị G-20, ông Quế Tòng Hữu, Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Âu-Trung Á, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định: “Ông Vladimir Putin sẽ là nhân vật quan trọng nhất tại Hàng Châu khi ông tới dự hội nghị theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Tổng thống Nga Putin ‘thắng lớn’ ở Trung Quốc ảnh 1

Buổi chụp hình các nguyên thủ G-20 trước thềm khai mại Hội nghị G-20 nói lên rất nhiều điều. Ảnh: Xinhua

Thực tế đã diễn ra theo đúng ý định của Bắc Kinh, và thể hiện rất rõ là việc chủ nhà Trung Quốc bố trí vị trí đứng và thứ tự các nguyên thủ trong phiên chụp ảnh chung tại G-20.

Tại bức ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có thể hiểu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là chủ nhà của hội nghị vào năm tới ở Antalya và Đức sẽ đảm nhiệm vai trò đăng cai vào năm 2018.

Kế bên bà Merkel và ông Erdogan là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, tại G20 năm 2014, ông Putin đứng ở rìa ngoài cùng bức ảnh.

Giới phân tích nhận định, nhìn vào cách hành xử của chủ nhà Trung Quốc đối với Tổng thống Putin, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, nước Nga mới chính là trọng tâm trong Hội nghị G-20 năm nay.

Được hình thành từ năm 1999 nhưng thượng đỉnh G20 chỉ thực sự được khởi động vào cuối những năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đe dọa ổn định kinh tế của thế giới. Nhóm này bao gồm : Nam Phi, Arghentina, Brazil, Canada, Mỹ, Mexicô, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên minh châu Âu, tạo ra 85 % sản lượng trên hành tinh. 

MỚI - NÓNG