Tổng thống Obama: Của tin gọi một chút này làm ghi

Tổng thống Mỹ Barack Obama với sinh viên Ngô Huỳnh Ngọc Khánh tại Dreamplex, TPHCM. Ảnh: Xuân Ba.
Tổng thống Mỹ Barack Obama với sinh viên Ngô Huỳnh Ngọc Khánh tại Dreamplex, TPHCM. Ảnh: Xuân Ba.
TP - Mở đầu phát biểu bằng những câu chuyện bình dị, rồi nhắc đến các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, câu thơ, câu hát nổi tiếng của Việt Nam, Tổng thống Barack Obama hôm qua gây ấn tượng với gần 2.000 khán giả bằng cách như thế để truyền đi những thông điệp mà ông muốn gửi gắm về quan hệ Việt - Mỹ.

Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội bắt đầu lúc gần 12h trưa 24/5, nhưng từ 8h sáng đã có rất đông đại biểu khách mời và phóng viên có mặt. Phải xếp hàng dài, trải qua quá trình kiểm tra an ninh chậm và nghiêm ngặt, sau đó ngồi chờ hơn 3 giờ trước khi ông chủ Nhà Trắng xuất hiện, nhưng mọi người trong hội trường không than phiền, chỉ kiên nhẫn ngồi đợi. Gần 2.000 người, phần lớn là sinh viên, số còn lại chủ yếu là đại diện các bộ, các hội hữu nghị thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Hơn 12h, cả hội trường đồng loạt đứng dậy, reo hò và vỗ tay rầm rầm. “Xin chào, xin chào Việt Nam!”, Tổng thống Mỹ chào bằng tiếng Việt để bắt đầu bài diễn thuyết.

“Thưa Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin cảm ơn tình cảm nồng nhiệt mà các bạn dành cho tôi trong chuyến thăm này”, Tổng thống Obama phát biểu. Ông nói rằng, trong chuyến thăm này, sự “tốt bụng của các bạn đã chạm đến trái tim tôi”.

“Nhiều người đã vẫy chào tôi ở bên đường, khiến tôi cảm nhận được tình cảm giữa hai dân tộc. Hôm qua, tôi đi thăm phố cổ và thưởng thức món bún chả rất ngon của Việt Nam. Tôi uống bia Hà Nội, nhưng phải nói rằng, trên những đường phố đông đúc của Hà Nội, tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều xe máy đến thế. Tôi chưa thử đi qua đường, nhưng sau này nếu có dịp quay lại Việt Nam, các bạn có thể chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào”, Tổng thống Mỹ bắt đầu câu chuyện.

Tổng thống Obama: Của tin gọi một chút này làm ghi ảnh 1

Trưa 24/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trước gần 2.000 người. Ảnh: TTXVN.

Ý thức quá khứ, hướng tới tương lai

Tổng thống Mỹ nói ông cũng như những người trẻ Việt Nam hôm nay, những người trưởng thành sau chiến tranh. Khi quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam, ông mới 13 tuổi. Ông chia sẻ, ông ý thức được quá khứ quan hệ hai nước, nhưng ông hướng tới tương lai. Tổng thống Mỹ nói ông trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam qua hàng ngàn năm, với Trống đồng Đông Sơn, với Thủ đô nghìn năm tuổi. Thế giới biết đến lụa và nhiều bức tranh của Việt Nam. Văn Miếu là bằng chứng về trí tuệ của người Việt. Qua nhiều thế kỷ, Việt Nam bị nhiều nước can thiệp, nhưng tinh thần người Việt luôn bất khuất, để khẳng định điều Lý Thường Kiệt viết: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời”.

Tổng thống Mỹ nhắc lại những mối lương duyên giữa hai dân tộc từ hơn 200 năm trước, khi nhà sáng lập nước Mỹ Thomas Jefferson đi tìm kiếm giống lúa gạo đã đến Việt Nam và ông tìm thấy những giống gạo trắng ngon, năng suất rất cao. Khi những phi công Mỹ đến đây, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới Tuyên ngôn độc lập của Mỹ trong bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945. Tuy nhiên, lịch sử đã đưa hai nước đến một cuộc chiến.

“Trong các nghĩa trang liệt sĩ và trên bàn thờ của nhiều gia đình, hơn 3 triệu bộ đội và thường dân Việt Nam thiệt mạng vì cuộc chiến. Tại Washington, chúng tôi có thể chạm vào tên của hơn 58.000 binh lính Mỹ không bao giờ trở về nhà. Cả hai nước chúng ta, những người cựu chiến binh và gia đình của những người đã thiệt mạng vẫn phải chịu đau đớn vì người thân của họ mất đi”, Tổng thống nói.

Về việc khắc phục hậu quả chiến tranh, Tổng thống Mỹ khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn chưa nổ. Mỹ cũng sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tẩy độc ở sân bay Biên Hòa sau khi hoàn thành ở sân bay Đà Nẵng.

Trở về hiện tại, ông bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam, với những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM, với nhiều cửa hàng và trung tâm thương mại. Việt Nam đã phóng vệ tinh vào vũ trụ, có một thế hệ những con người mới sẵn sàng khởi nghiệp, hàng chục triệu người Việt kết nối với nhau qua mạng xã hội…

Hôm qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng phát biểu, các nhà phân tích lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng ra rằng, quan hệ Việt - Mỹ phát triển nhanh và mạnh như hiện nay. Thời gian tới, Việt Nam và Mỹ sẽ phát triển thực chất và toàn diện, tôn trọng lợi ích của nhau, vì hòa bình, thịnh vượng.

Ngày nay, hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng tăng, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ học, nhiều hơn bất kỳ nước nào ở Đông Nam Á, nhiều du khách Mỹ đến Việt Nam để khám phá 36 phố phường Hà Nội, thăm Cố đô Huế... Nhiều người Việt và người Mỹ đều thuộc câu hát của Văn Cao: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”, ông Obama nói.

Tổng thống Obama cho rằng, những kinh nghiệm và bài học trong quan hệ Việt - Mỹ sẽ là bài học cho thế giới. “Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không thể giải quyết được, nhưng quan hệ của chúng ta cho thấy chúng ta có thể thay đổi, có thể tạo ra tương lai tốt đẹp hơn”. Tổng thống Mỹ khẳng định một điều có tính nguyên tắc, rằng Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, độc lập mà không quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí. Độc lập, chủ quyền của Việt Nam do người Việt Nam quyết định.

Thực thi cam kết trong TPP

Liên quan Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Obama khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khai thác hết tiềm năng giữa hai nước và thực thi những cam kết của mình trong TPP. “Với tư cách Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ rất mạnh mẽ TPP vì điều này giúp Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ và không phải phụ thuộc thương mại vào một quốc gia duy nhất mà có thể mở rộng thị trường của mình, trong đó có Mỹ”, ông nói.

Trên lĩnh vực an ninh, Tổng thống Mỹ cho rằng, hai nước có thể làm việc cùng nhau để bảo đảm an ninh chung. Mỹ sẽ tăng cường trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường hỗ trợ khi xảy ra thảm họa thiên tai. Ông nhắc lại tuyên bố về việc bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cho thấy quan hệ hai nước đã bình thường hoàn toàn.

“Trong thế kỷ 21, các quốc gia to hay nhỏ đều phải được tôn trọng chủ quyền. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ. Các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình. Các cơ chế như ASEAN hay Thượng đỉnh Đông Á cần được tăng cường”, Tổng thống Mỹ khẳng định. Ông nhắc lại quan điểm Mỹ không phải bên tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nhưng Mỹ sẽ cùng các đối tác bảo đảm quyền tự do đi lại, tự do bay, thương mại không bị cản trở. Mỹ sẽ đi tàu, bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép, và bảo đảm các nước khác cũng được làm như vậy.

Tổng thống Obama nhắc đến những khác biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Mỹ, nhất là về quyền con người, và ông khẳng định Mỹ không muốn và không có quan điểm áp đặt lên bất cứ nước nào. Tổng thống Mỹ khẳng định, ông lạc quan vào tương lai hai nước, và niềm tin của ông có nền tảng là sợi dây hữu nghị gắn kết hai nước, là cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang thành công trên tất cả các ngành nghề ở Mỹ và mong muốn quay về nước phát triển kinh tế.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ hy vọng, nhiều năm sau này, khi hai quốc gia và nhân dân hai nước hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau hơn, mọi người vẫn nhớ đến “khoảnh khắc tôi đứng ở đây hôm nay, như Nguyễn Du viết: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Ký thêm các văn kiện hợp tác

Trước cuộc hội đàm sáng 24/5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, gồm: Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ vật tư y tế và hợp tác nhân đạo nhằm phục vụ hợp tác nhân đạo giữa hai nước trong tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó thảm họa thiên nhiên; Thư thỏa thuận về hỗ trợ thực thi pháp luật và tư pháp hình sự và Hiệp định khung về việc Việt Nam cho phép một số tình nguyện viên Mỹ dạy tiếng Anh tại thành phố Hà Nội và TPHCM trong khuôn khổ “Chương trình Hòa bình”.

Làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài

Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước thông qua tuyên bố chung, theo đó hai bên nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Tuyên bố chung có đoạn viết: “Hai bên cam kết tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan của hai nhà nước. Đồng thời, hai bên có ý định mở rộng đối thoại thường niên cấp cao giữa hai Bộ Ngoại giao để thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và các vấn đề khác cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng việc củng cố lòng tin giữa hai bên có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng tình hữu nghị và hợp tác bền vững, lành mạnh và lâu dài. Hai nước quyết tâm tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy sớm thông qua và thực thi đầy đủ Hiệp định có tiêu chuẩn cao này, trong đó có cam kết về đầu tư, hỗ trợ và phát triển kinh doanh, sở hữu trí tuệ, dệt may, dịch vụ, lao động và môi trường”.             

T.P

MỚI - NÓNG