Tổng thống Pháp hết lời sùng kính Albert Camus

Tổng thống Pháp hết lời sùng kính Albert Camus
TP - ...Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đáp lời Nobel văn chương 2007 thật hùng hồn bằng chuyến thăm Algérie, rồi sau đó bằng lễ kỷ niệm 50 năm Albert Camus nhận giải năm 1957.
Tổng thống Pháp hết lời sùng kính Albert Camus ảnh 1
Tổng thống Pháp đón khách dự tiệc. Bên ông là con gái của Albert Camus

Albert Camuss (1913 - 1960) được nhiều chính trị gia, trong đó có hai tổng thống đương nhiệm là Bush và Sarkozy, say mê tìm đọc và nghiên cứu...

Chuyến thăm Algérie của Sarkozy là nhằm tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa Pháp và Algérie, giữa các tôn giáo và dân tộc của nước sở tại.

Ở bất kỳ đâu, Tổng thống Pháp đều tỏ lòng sùng kính Albert Camus, nhà văn Pháp gốc Algérie được toàn cầu ngưỡng vọng. Sau chuyến thăm, ngày 13 tháng Mười hai, ông tổ chức một bữa đại tiệc trưa tại Điện Elysée để tưởng niệm 50 năm Nobel văn chương Albert Camus.

Khách mời chủ yếu là giới văn bút, nhất là ở vùng Địa trung hải. Trong bài nói vắn tắt, tổng thống nhấn mạnh một phẩm chất cao quý của Camus là không tùy thời mà luôn độc lập trong suy nghĩ và hành động.

Ông cũng ý nhị hé mở tầm vóc văn hóa - mà Camus là linh hồn - của dự án Khối Địa trung hải do ông đề xướng: “Khối Địa trung hải thống nhất sẽ không giống châu Âu. Nó được xây dựng trên nền tảng văn hóa, chứ không phải sắt thép hay chính trị”.

Lịch sử hơn 100 năm Nobel chưa từng chứng kiến một sự tri âm tri kỷ hào hùng và cảm động đến thế giữa chính trị và văn chương.

Không cảm động sao được, khi xu hướng thời đại hiện nay - bao dung và hội nhập - được khai sáng bởi một trong những lương tâm sâu sắc và thiết thực nhất của thế kỷ XX. Camus không để lại một chủ nghĩa nào, đứng ngoài mọi trào lưu triết học, không ngừng chống lại các hệ tư tưởng khiến cho nhân loại lầm lạc.

“Triết lý” của ông xuất phát từ triết lý của quảng đại dân thường, mà hồn cốt là tôn trọng phẩm giá và yên vui của mỗi cá nhân. Cha ông là một công nhân nông nghiệp. Mẹ là con hầu.

Cha bị điều ra lính rồi tử trận năm 1914, khi Camus mới một tuổi. Mẹ kiếm sống vất cả, lại điếc. Việc học hành của ông vô cùng khó khăn.

“Thầy giáo trường làng” Louis German xoay xở vận động đủ chiều để ông được vào trung học rồi đại học (văn chương và triết học). Ông mãi mãi đội ơn thầy và về sau tặng thầy diễn từ Nobel của ông.

Ông thích thể thao và sân khấu. Vừa lao động thêm để trang trải việc học, ông vừa viết và diễn kịch ở đội kịch do ông thành lập năm 1935.

Ông tham gia làng báo năm 1938, ở tờ Alger cộng hòa. Một bài phóng sự điều tra về đời sống cơ cực của dân Hồi giáo chấn động toàn xã hội. Năm 1940, tờ báo bị đóng cửa...

Ông không nao núng mà “thẳng tiến” tới Paris. Tại đây, ông được làm thư ký tòa soạn cho tờ Paris - buổi chiều. Tiếp đó, cộng tác với nhiều báo nữa. Các vở kịch và tiểu thuyết nối đuôi nhau ra mắt, bên cạnh các tập chính luận.

Đại chiến II, ông tích cực hoạt động trong Phong trào kháng Đức của nhân dân Pháp.

Ngày 8 tháng Tám 1945, ông là nhà trí thức phương Tây duy nhất lên án việc sử dụng bom nguyên tử, hai ngày sau cuộc tấn công của đế quốc Mỹ xuống Hiroshima, trong bài xã luận trên tờ Chiến đấu, lừng lẫy cho đến giờ...

Ông được hưởng một đặc ân mà có lẽ chưa cây bút đoạt giải Nobel nào được hưởng. Ấy là Viện hàn lâm Thụy Điển đồng ý cho một số chuyên gia Pháp tìm hiểu tư liệu về việc trao tặng Nobel cho ông, không bao lâu sau ngày ông  được “phong thánh”.

Đáng ngạc nhiên, ông được đề cử từ năm 1949 ở tuổi 35. Tiếp đó là các năm 1952, 1954, 1955 và 1956.

Một vị thống chế Thụy Điển hết sức yêu quý văn ông, nên tiến cử ông “không mệt mỏi”. Bốn bản thuyết trình quan trọng về ông được trình lên Viện hàn lâm Thụy Điển, trong đó ý chí chiến đấu ngoan cường, lòng trung thực trước mọi gian nan thử thách, chủ nghĩa nhân đạo và tính tiên phong của ngòi bút ông được ghi nhận.

Viện theo dõi từng bước tiến của ông. Năm 1956, sau kiệt tác Sự sụp đổ “long trời nở đất”, Viện muốn ông chờ vài năm nữa. Thực tế, chỉ một năm thôi. Bất chấp sự “cạnh tranh khốc liệt” của Pasternak, Saint-John Perse và Backett, ông vẫn trúng Nobel văn chương ngày 17 tháng Mười 1957.

Trong bữa tiệc chiều Nobel quen thuộc, ông mời được phu nhân thống chế nói trên cùng ngồi vào bàn để cảm ơn vợ chồng vị độc giả siêu việt.

Trở về Pháp, với số tiền thưởng 208.000 couronnes Thụy Điển, ông tậu một tư dinh ở Luberon, gần nhà bạn ông, nhà thơ Pháp Rener Char.

Ngày 4 tháng Giêng 1960, từ khu ấy, ông đi ra trên chiếc xe con Facel-Vega FV3 do một bạn ông lái. Chiếc xe rời khỏi đường, đâm vào một cây tiêu huyền. Báo chí đều loan tin ông tử nạn vì xe chạy quá nhanh.

Riêng nhà văn Pháp René Etiemble thì nhất mực: “Tôi đã điều tra rất lâu và có bằng chứng chiếc Facel-Vega là một quan tài. Nhưng không báo nào chịu đăng bài viết của tôi…”. Phải chăng một thế lực nào đó mưu sát niềm vinh quang huyền diệu của Pháp, Algérie, và văn chương toàn cầu?... 

 Khuất Lệ Lan
Theo tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.