Tổng thống Syria - sống đâu, chết đó?

Không một áp lực nào từ bên ngoài có thể ngăn cản quyết tâm Tổng thống Assad.
Không một áp lực nào từ bên ngoài có thể ngăn cản quyết tâm Tổng thống Assad.
Hạ tuần tháng này, Tổng thống Syria có bài phát biểu đầu tiên trong nhiều tháng qua về cuộc khủng hoảng vốn đã bước sang tháng thứ 22, bác bỏ "con đường sống" theo cách nói của một số người với lập luận rằng ông sẽ "sống đâu, chết đó".

> Vấn đề Syria không thể chờ đến năm 2014
> Vũ khí hóa học Syria có thể triển khai chỉ trong 2 giờ

Đây là lần đầu tiên ông Bashar al-Assad chính thức lên tiếng kể từ khi nhận được đề xuất sống lưu vong ở nước ngoài, nhưng không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn này của Syria tự cự tuyệt "con đường sống" của bản thân.

Trước đó gần hai tháng, ông Assad từng nói với một hãng truyền hình Nga rằng ông sẽ "sống chết ở Syria". Câu nói ấy, và cả tuyên bố lần này, được đưa ra trong bối cảnh nhiều người cho rằng cuộc chiến ở Syria đang đi đến hồi kết theo hướng bất lợi cho ông Assad. Điều gì khiến cho vị Tổng thống Syria quyết tâm chiến đấu đến cùng trong tình thế "thù trong, giặc ngoài"?

Trên thực tế, nếu nhìn lại toàn bộ những diễn biến ở Syria trong suốt 2 năm qua, người ta có thể dễ dàng dự đoán kết cục không mấy lạc quan cho Tổng thống Assad, khi ông lần lượt để mất sự ủng hộ của các thế lực trong và ngoài khu vực.

Ban đầu là sự quay lưng đột ngột của Liên đoàn Arập, tổ chức chính trị duy nhất trong khu vực.

Tiếp đến là sự xa rời của một số nước láng giềng từng có thời thân thiết với Syria và gần đây nhất là thái độ kém phần mặn mà của Nga và Trung Quốc, hai nước từng ba lần phủ quyết dự thảo trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với xu hướng dần bị cô lập đó, hiện Syria chỉ còn lại một "chiếc ô" duy nhất là Iran, nhà nước Hồi giáo dòng Shi'ite và là quốc gia đối trọng đáng gờm của Mỹ cũng như phương Tây trong nhiều vấn đề khu vực.

Nhưng liệu "chiếc ô" này có đủ để bảo vệ Tổng thống Assad khi làn sóng đối lập trong nước đang ngày càng phát triển mạnh nhờ sự tích cực chống lưng từ các thế lực bên ngoài.

Hiện tại, dù biết chính quyền Assad vẫn còn lá bài cuối cùng là kho vũ khí hóa học thuộc hàng lớn nhất thế giới có thể viện tới trong trường hợp "chẳng còn gì để mất", song việc sử dụng thứ vũ khí này cũng chỉ là việc "đặng chẳng đừng".

Chính vì thế, trong thời gian qua, quân đội Syria đã ra sức tăng cường các cuộc tấn công bằng đường không và đường bộ hòng ngăn chặn âm mưu lật ngược thế cờ của phe đối lập, qua đó giảm thiểu nguy cơ phải sử dụng vũ khí hóa học.

Bình luận về cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết ở Syria, nhà phân tích tình hình Trung Đông Agnes Levallois cho rằng Tổng thống Assad dù đang lâm vào "thế kẹt" nhưng vẫn sẽ "bám giữ quyền lực đến cùng".

"Càng bám giữ quyền lực lâu, ông Assad càng chắc chắn hơn về khả năng duy trì quyền lực. Có thể ông không bám giữ bằng cách lấy lại toàn bộ đất nước, mà bằng chiêu bài giữ chặt Damascus, điểm nối then chốt nối với thành phố Homs và lãnh địa của người Alawite", bà nói.

"Giữ chặt Damascus hoặc lãnh địa của người Alawite, cố lấy lại những vùng đã mất... là lựa chọn của ông Assad", ông Andrew Tabler, một nhà phân tích khác thuộc Viện chính sách Cận Đông ở Washington, cùng chia sẻ nhận định này.

Tất nhiên, phe đối lập không đời nào chịu ngồi im mà sẽ tìm cách đẩy dần chính quyền ra khỏi miền Bắc và miền Đông, song hành động này có thể sẽ phải trả giá đắt bằng việc hứng chọn các cuộc tấn công bằng tên lửa, đạn pháo hay thậm chí cả vũ khí hóa học.

Nhận định về khả năng cầm cự của ông Assad, cả hai nhà phân tích cho rằng chính quyền hiện nay có thể duy trì nắm quyền kiểm soát Damascus trong vài tháng tới trước khi xem xét chuyển về cứ điểm của người Alawite. Một khi quyết định này được đưa ra, cuộc chiến sẽ chuyển sang một bước ngoặt mới nguy hiểm hơn và cũng khốc liệt hơn.

"Trước khi khủng hoảng bùng phát giữa tháng 3/2011, quân đội Syria đã bố trí các kho vũ khí nằm trên những dãy núi của người Alawite. Hiện tại các kho vũ khí này vẫn chưa được lực lượng trung thành với Tổng thống Assad sử dụng, nhưng điều đó không có nghĩa họ sẽ không dùng đến khi cần", bà Levallois nhận định.

"Với sức mạnh ấy, ông Assad không cần phải xem xét tới giải pháp đối thoại vô điều kiện. Ông vẫn có đủ nguồn lực, và cả sức mạnh, để mặc cả cho sự ra đi khi cần thiết", nhà phân tích này nói thêm.

Theo thống kê của Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc, cuộc xung đột hơn 22 tháng qua ở Syria đã cướp đi sinh mạng của gần 60.000 người, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đẩy cuộc chiến tiến sát hơn tới thủ đô Damascus.

Thương vong và thiệt hại là điều không bên nào mong muốn, nhưng suy cho cùng trách nhiệm không thể chỉ đổ lên chính quyền Syria. Sự ủng hộ ngấm ngầm của phương Tây và những toan tính lợi ích đan cài cả ở trong và ngoài Syria là nguyên nhân khiến cuộc xung đột ngày càng trở nên dữ dội, tối tăm và không có lối thoát.

Trong hàng loạt nỗ lực ngoại giao gần đây, bao gồm cả chuyến thăm Damascus và Moscow, đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi đã đưa ra đề xuất chấm dứt xung đột tại Syria bằng cách duy trì lệnh ngừng bắn, thành lập chính phủ mới và tiến hành các cuộc bầu cử. Nó cũng na ná như đề xuất chấm dứt khủng hoảng 3 giai đoạn của Tổng thống Syria.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, ông Assad sẽ có được một cái kết tuy không quá hoàn hảo, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Đó là ông vẫn có thể tự quyết định thời điểm và cách thức chấm dứt xung đột theo cách của mình. Ra đi trong thế ngẩng đầu, ra đi một cách chủ động chứ không phải hoàn toàn tuân theo sự sắp đặt của phương Tây, đấy mới là chiến thuật cuối cùng của Tổng thống Assad trong cuộc chiến cân não hiện nay.

Theo Việt Giang
dantri.com.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG