Tổng thống Trump 'có công' khiến Qatar bị cô lập?

Tổng thống Mỹ gặp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tại Ả-rập Xê-út vào tháng trước. Ảnh: NYT
Tổng thống Mỹ gặp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tại Ả-rập Xê-út vào tháng trước. Ảnh: NYT
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tự đẩy mình vào cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng ở Vùng Vịnh, làm người ta nghĩ rằng chính ông đã khiến Ả-rập Xê-út cô lập nước láng giềng Qatar nhỏ bé, khiến đội ngũ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ lo sốt vó vì đã đảo lộn một quan hệ chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Trong hàng loạt thông điệp trên Twitter hôm 6/6, ông Trump nói rằng việc ông kêu gọi chấm dứt tình trạng tài trợ cho các nhóm cực đoan đã thúc đẩy Ả-rập Xê-út và 4 quốc gia khác hành động chống lại Qatar, một quốc gia nhỏ bé giàu tài nguyên dầu mỏ và nơi đặt tiền đồn quân sự quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Tín hiệu lẫn lộn

“Trong chuyến đi gần đây của tôi đến Trung Đông, tôi nói rằng cần phải chấm dứt việc tài trợ cho tư tưởng cực đoan”, ông Trump viết trên Twitter. “Các lãnh đạo chỉ tay vào Qatar – nhìn xem!” Tổng thống Mỹ viết.

Qatar bị cáo buộc đã tài trợ tiền cho tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhóm cực đoan khác ở Syria, Libya và các quốc gia gia Ả-rập khác. Nhưng đây cũng là nơi đặt căn cứ của 2 trụ sở quân sự lớn của Mỹ, trong đó có một trung tâm được đầu tư 60 triệu USD để từ đó Mỹ và các đồng minh thực hiện cuộc chiến trên không nhằm tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Những vai trò đối lập đó giải thích vì sao chính quyền Mỹ đưa ra các tín hiệu lẫn lộn sau bước đi bất ngờ của Ả-rập Xê-út.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis lúc đầu cố gắng làm dịu tình hình. Ông Tillerson bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải và ông Mattis khẳng định tình hình này sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch chống IS.

Tuy nhiên, chỉ 12 giờ sau đó, ông Trump đưa ra thông điệp ngược lại hoàn toàn với những điều ông Tillerson và ông Mattis nói.

Những đoạn thông điệp của ông trên Twitter gây ra nhiều lẫn lộn về chiến lược và ý định của Mỹ đối với một đối tác quân sự chủ chốt của họ ở khu vực, nhưng các quan chức cấp cao của Lầu Năm góc vẫn cho rằng những điều ông Trump nói không phải sự thay đổi chính sách của Mỹ.

“Thật tốt khi thấy chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Quốc vương và 50 quốc gia đã mang lại kết quả tốt đẹp”, ông Trump viết. “Họ nói rằng họ sẽ cứng rắn với tình trạng tài trợ (cho các nhóm Hồi giáo cực đoan). Có lẽ đây sẽ là sự khởi đầu cho sự chấm dứt nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố”, Tổng thống Mỹ viết.

Đến tối 6/6, Tổng thống Mỹ có vẻ lại tìm cách làm dịu căng thẳng. Trong cuộc điện đàm với Quốc vương Salman của Ả-rập Xê-út, ông Trump nói rằng sự đoàn kết của các quốc gia vùng Vịnh có vai trò “rất quan trọng để đánh bại chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy ổn định khu vực”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Các quan chức trong chính quyền Mỹ nói rằng không phải ông Trump đang tìm cách gây rạn nứt giữa các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni ở Trung Đông mà là đang thể hiện sự thất vọng thực sự đối với Qatar và phải bảo đảm rằng tất cả đều đúng với những cam kết Mỹ đối với một Trung tâm tiêu diệt tài chính khủng bố mà Tổng thống Mỹ thông báo vào tháng trước tại Riyadh.

“Mỹ vẫn muốn thấy tình hình xuống thang và được giải quyết ngay lập tức, giữ đúng các nguyên tắc mà tổng thống đã vạch ra đối với việc xóa bỏ tình trạng tài trợ cho khủng bố”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói.

Ông Spicer bác bỏ ý kiến rằng Tổng thống Trump đang chọn phe. Ông nói rằng ông Trump đã có cuộc thảo luận “rất hiệu quả” với Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani trong chuyến thăm Riyadh. Tuy nhiên, một người khác chứng kiến chuyến thăm tiết lộ rằng cuộc gặp này lạnh nhạt hơn nhiều so với cuộc gặp của ông Trump đối với các lãnh đạo vùng Vịnh khác.

Tại Washington, Đại sứ Qatar Meshal bin Hamad al-Thani tỏ ra ngạc nhiên trước những thông điệp trên Twitter của ông Trump: “Không ai gặp chúng tôi để nói thẳng cả. Hãy xem, chúng tôi gặp vấn đề với điều này và điều này và điều này”, Đại sứ nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Daily Beast.

Các quan chức Mỹ và giới chuyên gia cho rằng trước mắt chưa có mối đe dọa nào đối với những cơ sở quân sự của Mỹ ở Qatar, ít nhất là vì Qatar coi sự hiện diện quân sự của Mỹ là sự bảo đảm trước những bước đi hung hăng của các nước láng giềng.

Nhưng bầu không khí dường như đang dễ gây nhiều lo ngại. Các quan chức chính phủ Mỹ và các hãng tin gọi việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, chặn giao thương và đi lại là một cuộc “vây hãm”, thậm chí là một nỗ lực đảo chính.

Nỗi lo đó càng tăng khi có nghi ngờ Nga đứng sau một cuộc tấn công mạng nhằm đăng tải thông tin giả trên hãng thông tấn nhà nước Qatar nhằm gây chia rẽ quan hệ Qatar – Mỹ.

Một nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo có những người muốn đổ lỗi cho chính phủ Nga đứng sau vụ tấn công mạng này ngay cả trước khi các bằng chứng được phân tích. Nhưng nhà ngoại giao này cũng nói rằng Nga sẽ được hưởng lợi nhiều nếu có chia rẽ giữa các nước đối thủ của Iran ở khu vực, đặc biết nếu những chia rẽ đó khiến Mỹ gặp khó khi sử dụng Qatar làm căn cứ quân sự lớn.

“Chắc chắn đây là nỗ lực nhằm thay đổi chế độ”, ông Jamal Elshayyal, một nhà sản xuất cấp cao của kênh tin tức Al Jazeera của Qatar nói. Al Jazeera bị một số người cho là kênh phát tán các tư tưởng cực đoan.

Các quan chức Lầu Năm góc nói rằng họ thấy buồn trước các thông điệp của ông Trump, nhất là khi Mỹ có quan hệ sâu rộng về quân sự với Qatar.

“Mỹ và liên quân rất biết ơn Qatar vì từ lâu họ đã hỗ trợ sự hiện diện của chúng tôi và cam kết lâu dài của họ đối với an ninh khu vực”, Trung tá Damien Pickart, phát ngôn viên lực lượng không quân thuộc Bộ chỉ huy trung tâm, nói hôm đầu tuần.

Ông Trump bị lợi dụng?

Căn cứ không quân Al Udeid, nằm ở ngoại ô thủ đô Doha của Qatar, là nơi đóng quân của 11.000 lính Mỹ và quân nhân của lực lượng liên quân.

Qatar cũng là nơi đặt các trụ sở tiền tuyến của Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ và một trung tâm tình báo của Mỹ ở Trung Đông. Qatar còn có quan hệ sâu rộng với các trường đại học của Mỹ, tài trợ tiền và đất để xây khuôn viên của 6 trường đại học của Mỹ tại Trung Đông.

Vấn đề Qatar tài trợ cho các nhóm cực đoan từ lâu đã là nguồn gốc căng thẳng với Washington. Nhưng Mỹ nhìn chung vẫn tránh chọn phe trong ở vùng Vịnh vì Washington có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước. Hầu hết các nước này, trong đó có cả Ả-rập Xê-út, đều có hồ sơ tài trợ tiền cho các nhóm cực đoan, báo Mỹ New York Times đưa tin.

“Rõ ràng Ả-rập Xê-út và UAE cảm thấy ai đó ở Nhà Trắng đã đứng về phe họ”, ông Robert Malley, người điều phối chính sách Trung Đông dưới thời chính quyền Obama, nhận xét. “Điều này đặt Qatar vào thế khó: hoặc phải thay đổi chính sách hoàn toàn hoặc sẽ bị cô lập nhiều hơn”, ông Malley nói.

Một số nhà phân tích khác tỏ ra gay gắt hơn, cho rằng Ả-rập Xê-út đã lợi dụng những gì ông Trump thể hiện trong chuyến thăm Trung Đông gần đây để tiến hành bước đi mà họ dự tính từ lâu nhằm chống lại một nước láng giềng nhỏ bé hơn như Qatar.

“Ả-rập Xê-út dùng ông Trump như cây vĩ cầm. Ông ấy (ông Trump) vô tình đã khuyến khích bản năng của họ đối với các nước láng giềng”, ông Bruce O. Riedel, một cựu chuyên gia phân tích tình báo từng cố vấn cho cựu Tổng thống Obama và nay đang công tác tại Viện Brookings, nhận xét.

MỚI - NÓNG