Tổng thống Trump 'khoanh tay' trước xung đột Ấn Độ - Pakistan

Một tòa nhà trên vùng Kashmir bị đánh sập khi Ấn Độ và Pakistan tấn công nhau. (Ảnh: AP)
Một tòa nhà trên vùng Kashmir bị đánh sập khi Ấn Độ và Pakistan tấn công nhau. (Ảnh: AP)
TPO - Khi Ấn Độ và Pakistan tiến đến bờ vực chiến tranh năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton hồi đó đã sử dụng chiêu ngoại giao cá nhân, gửi đi những bức thi quyết liệt và cảnh báo nghiêm khắc sẽ trừng phạt kinh tế nếu Islamabad không chịu lùi bước.

Nhưng với đợt căng thẳng tuần qua giữa Pakistan và Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều trợ lý cấp cao của ông còn đang quá bận với cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng như phiên điều trần đầy những thông tin bất lợi của cựu luật sư Michael Cohen trước Hạ viện Mỹ.

Đợt căng thẳng vừa qua là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á trong mấy chục năm qua, nhưng ông Trump bị cho là chỉ đứng bên lề khi không tìm cách hòa giải như cách nước Mỹ làm trước đây, NBC News dẫn nhận xét của một số nhà ngoại giao trong và ngoài nước.

“Chính phủ Mỹ có vẻ không muốn can dự vào mâu thuẫn này từ cấp cao”, ông Daniel Feldman, cựu phái viên đặc biệt của Mỹ đến Pakistan và Afghanistan dưới tời chính quyền Obama, đánh giá. “Điều đó cho thấy Mỹ không chỉ thiếu tập trung mà còn thể hiện khả năng của chúng ta đã suy giảm như thế nào khi nhiều vị trí cấp cao trong nhiều cơ quan quan trọng vẫn đang bị trống hoặc chỉ có phụ trách tạm thời”, ông Feldman nói.

Vào lúc đỉnh điểm khủng hoảng tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở Islamabad và New Delhi. Những cuộc điện đàm này rất quan trọng, nhưng không giống với kiểu ngoại giao con thoi như trong các cuộc khủng hoảng trước đây, các cựu quan chức Mỹ đánh giá.

Năm 1999, ông Cliton điện đàm với cả hai người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan và đã giúp hạ nhiệt mâu thuẫn. Nhưng lần này không như vậy.

“Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua Washington không đóng vai trò chủ động hạ nhiệt khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan”, ông Bruce Riedel, một cựu quan chức CIA từng làm việc trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Clinton. “Tổng thống (Trump) không nói chuyện với các nhân vật chính”, ông Riedel nói.

Các quan chức chính quyền Mỹ gạt bỏ chỉ trích, khẳng định rằng Mỹ là một trong những chính phủ đầu tiên trên thế giới chỉ trích vụ đánh bom tự sát vào tháng trước, khiến 40 lính Ấn Độ thiệt mạng – nguyên nhân dẫn đến vụ đụng độ Pakistan - Ấn Độ, và liên tục kêu gọi hai bên tháo ngòi xung đột. Ông Pompel “đã đóng vai trò quan trọng giúp tình hình xuống thang”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

Washington cũng liên lạc thường xuyên với các đại sứ quán Mỹ tại New Delhi và Islamabad. “Không phải người dân có thể thấy tất cả các hoạt động ngoại giao, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục bàn bạc với Ấn Độ và Pakistan để xuống thang căng thẳng thông qua các kênh phù hợp”, Phát ngôn viên nói.

Washington chưa bổ nhiệm đại sứ ở Pakistan và đến tận tháng 12 vừa qua Nhà Trắng mới đề cử một vị trí cấp cao tại Bộ Ngoại giao để phụ trách khu vực Nam và Trung Á. Các vị trí cấp cao khác trong Bộ Ngoại giao để xử lý vấn đề Nam Á liên tục bị thay đổi, và các cựu quan chức cho rằng Nhà Trắng luôn có những ưu tiên khác để chú ý hơn là tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan đối với vùng đất Kashmir.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, một người có kiến thức tốt về lịch sử và chính trị ở Nam Á, đã từ chức từ cuối năm ngoái sau khi mâu thuẫn với Tổng thống Turmp về vấn đề rút quân khỏi Syria và quan hệ của Mỹ với các đồng minh. Người kế nhiệm Patrick Shanahan xuất thân là một giám đốc của hãng Boeing nên chưa có kinh nghiệm gì về chính sách đối ngoại.

“Trước dây, chúng ta đóng vai trò cảnh sát trưởng ở khu vực. Nhưng giờ ở đó không còn ai trong đồn cảnh sát của chúng ta sẵn sàng can thiệp”, NBC News dẫn lời ông Harry Sokolski, một cựu quan chức Lầu Năm góc và đang là giám đốc điều hành Trung tâm giáo dục chính sách không phổ biến vũ khí. “Ai trong số các nhà ngoại giao của chúng ta sẽ can thiệp vào đó?” ông Sokolski đặt câu hỏi.

Ít nhất có một cơ quan của Mỹ trong vài tháng qua đã lo ngại trước tình trạng căng thẳng giữa hai nước thù địch. Lo ngại đó thúc đẩy CIA gia tăng cam kết với khu vực, 2 quan chức Mỹ giấu tên cho biết, nhưng không nói cụ thể cam kết của CIA là gì.

Theo một số chuyên gia khu vực khác, trong khi Washington đang giảm bớt vai trò của mình, Ấn Độ và Pakistan cũng không còn muốn coi chính quyền Trump là bên hòa giải nữa.

MỚI - NÓNG