Tổng trị giá hàng giả trên thế giới đạt… 2.000 tỷ USD

Tổng trị giá hàng giả trên thế giới đạt… 2.000 tỷ USD
TP - Tổ chức Hải quan Thế giới ước tính, năm 2006 tổng trị giá hàng giả thế giới lên tới 500 tỷ USD, tương đương từ 5% đến 7% khối lượng hàng hóa toàn thế giới.

Phòng Thương mại Mỹ cho biết trong vòng 20 năm qua, tổng trị giá hàng tiêu dùng giả trên toàn cầu ước tính là 2.000 tỷ USD.

Những sản phẩm bị giả mạo nhiều nhất là băng đĩa, thuốc lá, túi xách, quần áo, dược phẩm, hàng điện tử và phụ tùng ô tô.

Quần áo, phụ kiện may mặc, mỹ phẩm và nước hoa chiếm 1/3 tổng số hàng giả trên thế giới; phần mềm máy tính chiếm 35%; 25% là video, DVD và CD. Số đồng hồ Thụy Sĩ bị làm giả mỗi năm lên tới 40 triệu chiếc so với 26 triệu chiếc đồng hồ thật. Tại Anh, mỗi ngày trung bình có 1 triệu điếu thuốc lá giả bị tịch thu.

Từ một vài quốc gia châu Á…, hàng giả được xuất đi khắp thế giới. Theo Phòng Công nghiệp Mỹ, hằng năm nước này mất khoảng 250 tỷ USD do nạn hàng giả và ăn cắp bản quyền.

Các nước châu Âu cũng là nơi sản xuất ra nhiều loại hàng giả. 6% hàng giả bị hải quan tịch thu có xuất xứ từ Pháp. Nhiều xưởng dệt, sản xuất linh kiện ô tô giả cũng mọc lên ở Italy, Tây Ban Nha… Giá hàng nhái thấp hơn rất nhiều so với hàng thật. Một chiếc đồng hồ Cartier chỉ với giá khoảng 80 USD, trong khi giá của sản phẩm thật trên thị trường là 4.000 USD.

Trong 10 năm qua, số vụ hàng giả bị tịch thu tại Đức đã tăng từ 506 lên 7.217 vụ và đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì chỉ có vào khoảng 5% hàng hóa được kiểm tra. Theo số liệu của Cty tư vấn doanh nghiệp A. T. Kearney, thiệt hại do hàng giả mạo gây ra cho nền kinh tế Đức là 25 tỷ euro hằng năm, làm mất 70.000 việc làm.

Không ai chết vì mang túi xách giả hoặc mặc phải áo giả, nhưng nhiều người có thể thiệt mạng vì dùng thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thuốc giả đang có mặt tại tất cả các nước và chiếm 10% thị trường thuốc trên toàn cầu.

Các quốc gia nghèo ở châu Phi, nơi đang lưu hành hơn 50% lượng thuốc giả của thế giới là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không chỉ ở các nước đang phát triển, tại các nước phát triển người ta cũng mua phải thuốc giả như thuốc viêm phế quản giả ở Anh, thuốc chống trầm cảm giả ở Bỉ, thuốc chống ung thư giả ở Hà Lan…

Ngay cả ở Mỹ, hàng triệu người không có khả năng chi trả phí y tế cao cũng đi tìm mua những loại dược phẩm giá rẻ, trong đó có cả thuốc giả. Những năm gần đây nạn thuốc giả đã gây ra hàng chục ngàn ca tử vong trên thế giới.

Luật pháp ở nhiều nước khá lỏng lẻo đối với những kẻ sản xuất và kinh doanh hàng giả. Năm 2003, trong số 2.425 kẻ phạm tội sản xuất và kinh doanh hàng giả bị bắt tại Đức, chỉ có 106 người bị xử phạt tiền, không ai bị phạt tù.

Tháng 8/2006 vừa qua, Phòng Thương mại Mỹ cho biết đang cùng Chính phủ Trung Quốc phối hợp xử lý các trường hợp làm hàng giả ở nước này tại tòa hình sự, thay vì tòa dân sự.

Vũ Anh Tuấn
Tổng hợp

MỚI - NÓNG