‘Trận chiến’ Mỹ - Trung Quốc ở WHO

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Khi tổ chức họp trực tuyến vào ngày mai, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ không chỉ phải đối phó với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 mà cả cuộc chiến căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước chỉ trích cách Bắc Kinh phản ứng với đại dịch. 

Cuộc họp sẽ có sự tham dự của đại diện 194 quốc gia thành viên, nơi các chính sách và ngân sách được đánh giá và thông qua. COVID-19 sẽ là tâm điểm được bàn bạc. 

Nhưng mọi ánh mắt sẽ dồn vào việc các nước gồm Mỹ, Úc, Canada, Pháp và Đức sẽ thúc đẩy cuộc điều tra về cách Trung Quốc xử lý đại dịch như thế nào trong khuôn khổ cơ quan y tế toàn cầu, trong đó có khả năng đưa chính phủ Trung Quốc ra toà quốc tế. 

Lãnh đạo những nước này đã khẳng định họ muốn tiến hành điều tra, bao gồm vấn đề nguồn gốc virus và câu hỏi liệu Bắc Kinh có chậm trễ trong thông báo với thế giới rằng virus lây từ người sang người. 

Bản thân WHO cũng bị chỉ trích vì khen ngợi Trung Quốc “minh bạch”, cho dù thực tế là Bắc Kinh có những hành động được xem là trừng phạt những người tiết lộ thông tin về dịch bệnh như bác sĩ Lý Văn Lượng. 

Từ khi bùng lên ở TP Vũ Hán vào cuối năm ngoái, COVID-19 đã giết chết hơn 300.000 người và gây bệnh cho hơn 4,5 triệu người khắp thế giới. Mỹ hiện là nước có nhiều người chết và người mắc bệnh nhất. 

Mỹ cũng gia tăng cáo buộc Trung Quốc, còn Trung Quốc bác bỏ. 

Theo quy định của WHO, cơ quan y tế toàn cầu này có thể chuyển các xung đột không thể giải quyết cho Toà án công lý quốc tế (ICJ) ở La Hay, Hà Lan. Nhưng các chuyên gia pháp lý và y tế cho rằng điều này khó xảy ra, và dù xảy ra thì ICJ sẽ không thể thực thi quyết định. 

“WHO chưa bao giờ đưa quốc gia nào ra ICJ, và tôi cũng không cho rằng điều đó sẽ xảy ra. Nếu xảy ra sẽ là việc chưa từng có tiền lệ”, Steven Hoffman, giáo sư về y tế, pháp luật và khoa học chính trị toàn cầu tại ĐH York, nói với báo SCMP. 

Atul Alexander, trợ lý giáo sư luật tại ĐH Khoa học tư pháp Tây Benbal, cho rằng khó có thể thực thi quyết định của ICJ vì cần được Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận, trong khi Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực. 

“Điều này tương tự như vụ kiện tranh chấp biển Đông mà Philippines đệ trình nhưng Trung Quốc không tham gia. Phán quyết đó ngược quan điểm của Trung Quốc nhưng không bao giờ thực thi được”, ông nói. 

Ông Hoffman cho rằng dù hồ sơ có được chuyển sang ICJ thì toà này cũng có thể không xem xét. 

“Có nhiều vụ đang chờ xét xử và họ chỉ xử lý 2-4 hồ sơ mỗi năm”, ông Hoffman nói. 
Theo chuyên gia này, Quy định y tế quốc tế (IHR) được tất cả thành viên WHO thông qua năm 2005, có thể trở thành phương tiện giải quyết mâu thuẫn. 

IHR đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan đến diễn giải hoặc áp dụng thông qua thương lượng, trung gian hoặc hoà giải. 

Nhưng ông Hoffman nhấn mạnh rằng chưa có nước nào đồng ý giải quyết bất đồng thông qua cơ chế này. 

“Có rất nhiều thách thức để các quốc gia có thể giải quyết mâu thuẫn. Hàng chục nước vi phạm quy định của IHR trong đại dịch COVID-19 hoặc dịch Ebola trước đây”, ông nói. 

“Khi các nước áp lệnh hạn chế thương mại hoặc đi lại với một nước cụ thể thì đó là sự vi phạm rõ ràng Điều 43 của IHR. Không có cách hiệu quả nào để các nước phàn nàn hay truy đòi.

Trung Quốc cũng phải chịu những hạn chế đó và về lý thuyết họ có thể kiện các nước, nhưng tôi không nghĩ họ sẽ làm vậy”, ông Hoffman nói. 

Các chính trị gia Mỹ đang thử nhiều công cụ pháp lý. Tháng trước, Missouri trở thành bang đầu tiên của Mỹ kiện chính phủ Trung Quốc chối bỏ và che đâỵ tình hình, khiến đại dịch lan rộng và gây thiệt hại lớn về người và kinh tế. 

Trung Quốc có vẻ nhận thấy nguy cơ gia tăng trên mặt trận pháp lý, cảnh báo rằng họ đang “chuẩn bị các biện pháp đáp trả”, theo tờ Hoàn cầu Thời báo. 

Nhưng Liao Fan, nhà nghiên cứu công tác tại Trường Luật thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, không nhìn thấy nguy cơ gì từ việc các nước kiện Trung Quốc vì đại dịch, dù ở cấp toà án địa phương hay quốc tế.

“Những bước đi (nhằm kiện) Trung Quốc vẫn được gói gọn trong một ‘cuộc chiến pháp lý’ về hùng biện”, Liao viết trong bài đăng trên Nhật báo thông tin kinh tế thuộc hãng thông tấn Xinhua.
“Nếu một ‘trận chiến pháp lý’ là để thắng kiện thì những ‘trận khẩu chiến’ chỉ là để vận động cử tri. Chừng nào những thứ như ‘Trung Quốc phải chịu trách nhiệm’ hay ‘bắt Trung Quốc bồi thường’ trở thành cụm từ nóng và được dư luận quan tâm thì mục tiêu của những người kêu gọi nó đã đạt được rồi”, ông Liao viết. 

Gian Luca Burci, giáo sư phụ tá về luật quốc tế tại Viện cao học Geneva, cho rằng những đơn kiện và hành động đơn phương của chính phủ Mỹ sẽ chỉ để gây tổn thất về uy tín chứ không thể khiến Trung Quốc thiệt hại về pháp lý. “Dù có ít rủi ro về luật pháp nhưng có rủi ro về uy tín và chính trị”, ông Burci nói. 

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG