Trận đột kích đại sứ quán Iran cứu con tin của đặc nhiệm Anh

Đặc nhiệm SAS Anh đột kích vào tòa đại sứ Iran tại London. Ảnh: History
Đặc nhiệm SAS Anh đột kích vào tòa đại sứ Iran tại London. Ảnh: History
Cuộc đột kích giải cứu con tin bị bắt giữ trong đại sứ quán Iran ở London được coi là trận đánh ra mắt nổi tiếng của lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS).

Ngày 30/4/1980, 6 tay súng thuộc Phong trào Cách mạng Dân chủ cho Giải phóng Arabistan (DRFLA) xông vào đại sứ quán Iran ở London, bắt giữ những người có mặt tại đây, gồm đại sứ Iran, các nhà báo và cảnh sát Anh, làm con tin, yêu cầu phóng thích các tù nhân đang bị chính phủ Iran giam giữ, theo War Histoy Online.

Các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt nhiều ngày giữa nhà chức trách Anh và những kẻ khủng bố không mang lại  kết quả. Ngay từ đầu, Anh đã quyết định sẽ đột kích đại sứ quán Iran nếu có bất kỳ con tin nào bị sát hại, và cũng không có ý định để những kẻ khủng bố chạy trốn. Bởi vậy, trong khi tiếp tục đàm phán, họ chuẩn bị các phương án tấn công.

Đặc nhiệm Không quân Hoàng gia Anh (SAS) được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc đột kích. SAS, gồm các quân nhân ưu tú nhất của quân đội Anh, được thành lập một cách bí mật sau vụ thảm sát thế vận hội Munich 1972, chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và giải cứu con tin.

Trước khi cuộc đột kích diễn ra, SAS vẫn là lực lượng bí ẩn với công chúng, và đây là thời điểm bức màn bí ẩn quanh sự tồn tại của lực lượng này được hé lộ.

Kế hoạch Nimrod do trung tá Michael Rose đề xuất dựa trên chiến thuật sử dụng tốc độ, yếu tố bất ngờ và đột kích. Các đội đột kích sẽ xông vào đại sứ quán theo nhiều hướng khác nhau, ném lựu đạn choáng và hơi cay để khiến những kẻ khủng bố mất phương hướng.

Sau đó, lực lượng này sẽ cơ động nhanh chóng và dứt khoát để ngăn những kẻ khủng bố tái hợp và sát hại các con tin. Kế hoạch cũng lường trước khả năng thương vong lớn trong quá trình đột kích với ước tính 40% con tin bị chết và lực lượng SAS cũng có thành viên hy sinh.

Trận đột kích đại sứ quán Iran cứu con tin của đặc nhiệm Anh ảnh 1

Đại sứ quán Iran tại London năm 1980 (trái) và năm 2008 (phải). Ảnh: WarHistoryOnline

Một mô hình đại sứ quán Iran được chế tạo để phục vụ quá trình lập kế hoạch. Các bản sao y hệt kích cỡ của mỗi tầng trong tòa nhà được xây dựng để các thành viên SAS luyện tập phương án đột kích.

Đến chiều ngày 5/5, khi nhận ra nhóm khủng bố bắt đầu hành quyết con tin, đặc nhiệm SAS được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc đột kích. Mọi công tác chuẩn bị của họ được các phóng viên ghi lại và phát trực tiếp trên truyền hình, may mắn là những kẻ khủng bố không bật TV nên không hề hay biết.

Đến 19h24, với sự cảnh giới của các tay súng bắn tỉa, 32 đặc nhiệm SAS đột kích vào bên trong tòa đại sứ qua cửa sổ hoặc đu dây từ trên mái. Mỗi đội phụ trách một khu vực trong tòa nhà và không hoạt động ngoài khu vực này để tránh bắn nhầm nhau.

Mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Một thành viên bị mắc kẹt khi đang đu dây xuống tòa nhà. Một số con tin không tìm thấy ở nơi dự kiến. Một căn phòng bị chặn từ bên trong, khiến đặc nhiệm phải vòng qua ban công. Lựu đạn choáng khiến đồ đạc bốc cháy, và ngọn lửa nhanh chóng lan ra khắp phòng.

Tuy nhiên, kế hoạch đột kích cuối cùng cũng được đền đáp. Do bị bất ngờ, những kẻ khủng bố chỉ có thể sát hại một con tin trước khi bị tiêu diệt trước làn hỏa lực của các đặc nhiệm.

Trận đột kích đại sứ quán Iran cứu con tin của đặc nhiệm Anh ảnh 2

Một con tin cố gắng trèo ra ngoài căn phòng bốc cháy trong cuộc đột kích. Ảnh:History

Hai tên bị bắt sống nhưng khi áp tải xuống cầu thang, đặc nhiệm SAS phát hiện một trong hai tên này đang cầm lựu đạn. Hắn ta lập tức bị đẩy ra và bị bắn chết trước khi kịp kéo chốt.

Thành công của chiến dịch còn nhờ sự hỗ trợ của một con tin là cảnh sát Trevor Lock, người bảo vệ tòa đại sứ. Phát hiện đặc nhiệm đang đột kích vào tòa nhà, Lock đã đẩy ngã tên chỉ huy nhóm khủng bố và vật lộn với hắn. Dù hít phải hơi cay, Lock vẫn khống chế không để hắn có cơ hội nổ súng trước khi tên này bị một thành viên SAS xông vào tiêu diệt.

Vụ đột kích là một thành công lớn, bởi chỉ có một con tin bị giết và hai người khác bị thương nặng trong khi các thành viên SAS không ai thiệt mạng. Trong vài phút, họ đã đánh bại những tên khủng bố và kết thúc cuộc vây ráp kéo dài 6 ngày. Với chiến dịch được tiến hành trước ống kính truyền hình trực tiếp, đặc nhiệm SAS Anh từ đó được cả thế giới biết đến.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).