Tranh cãi bùng lên về mộ Tào Tháo

Tranh cãi bùng lên về mộ Tào Tháo
TP - Lăng mộ của “Nhất đại gian hùng” Tào Tháo rốt cục nằm ở nơi nào? Có rất nhiều giả thuyết: nào là ở ngoài thành Hứa Xương, nào là ở đáy sông Chương, nào là bên dưới đền Đồng Tước...

>> Tìm thấy mộ của Tào Tháo

Tranh cãi bùng lên về mộ Tào Tháo ảnh 1
Đây liệu có phải hài cốt Tào Tháo?

Cả ngàn năm nay, người Trung Quốc tốn bao công sức để đi tìm, nhưng vẫn chưa giải mã được những bí mật bao phủ xung quanh nơi yên nghỉ của nhân vật lịch sử đầy tranh cãi này.

Mới đây, cuộc tranh luận trong giới khoa học và cả trên mạng lại bùng lên sau cuộc khai quật tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật ngôi mộ số 2 ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam. Qua khảo chứng, giám định xương và những hiện vật đào được, những người tiến hành khai quật khẳng định:

Chủ nhân của ngôi mộ đó chính là Nguỵ Võ Vương Tào Tháo; ngôi mộ cổ Đông Hán này chính là “Tào Tháo Cao lăng” được ghi chép trong sách sử. Tuy nhiên, vẫn có những nhà khoa học hoài nghi, coi đây là một trò ngụy tạo.

Đây chính là mộ Tào Tháo?

Tranh cãi bùng lên về mộ Tào Tháo ảnh 2

Phiến đá trên có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”

Tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh ngày 27-12, Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc và Cục Văn vật tỉnh Hà Nam đã thông báo: ngôi mộ này nằm ở phía Nam thôn Tây Cao Huyệt, đã nhiều lần bị đào trộm.

Để kịp thời bảo vệ di tích, tháng 12-2008, Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc đã phê chuẩn cho phép Cục Văn vật tỉnh Hà Nam tổ chức khai quật khẩn cấp ngôi mộ.

Tuy đã bị đào trộm nhiều lần, nhưng trong mộ vẫn còn một số đồ tuỳ táng quan trọng. Các nhà khảo cổ đã tìm được trên 200 đồ vật quý bằng các chất liệu vàng, bạc, đồng, sắt, ngọc, đá, đồ sơn, gốm, vân mẫu. Trong đó đáng chú ý là giáp sắt, đai đồng, kiếm sắt, ngọc viên, chuỗi đá mã não, rùa đá, gối đá, bia đá...

Có 8 vật tuỳ táng được công bố là “cực kỳ quý giá”: các phiến đá trên có khắc các chữ “Ngụy Vũ Vương thường dụng cách hổ đại kích”, “Ngụy Vũ Vương thường dụng cách hổ đoản kích”...

Nhà chức trách cũng thu hồi từ tay bọn trộm mộ chiếc gối đá trên có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương thường dụng uý đỉnh thạch”. Đó là những chứng cứ lịch sử trực tiếp quan trọng giúp xác định chủ nhân ngôi mộ chính là Tào Tháo.

Trong khi thu dọn buồng mộ, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một số xương sọ, xương chi. Các chuyên gia sơ bộ giám định đó là xương của 3 người gồm 1 nam, 2 nữ, trong đó chủ mộ là đàn ông, tuổi khoảng 60, trùng hợp với tuổi 66 của Tào Tháo khi ông ta mất.

Tình cờ “phát hiện khảo cổ trọng đại”

Việc tìm thấy ngôi mộ khá tình cờ. Nơi có mộ vốn là hố người ta đào lấy đất làm gạch. Khi đào hố sâu khoảng 5-6 m thì gặp phế tích, nông dân trong vùng lấp đi trồng hoa màu lên trên.

Cuối năm 2005, khi một nông dân tưới cây thì phát hiện có chỗ nước rút xuống dưới, xem xét thì thấy dưới có hang rỗng bèn đoán đó là mộ cổ.

Qua Tết thì mọi người thấy ngôi mộ đã bị đào trộm, dần dần nó bị tàn phá nghiêm trọng. Công an địa phương đã 5 lần vây bắt bọn đào trộm ngôi mộ này, tóm được cả thảy 38 tên.

Về tổng thể, ngôi mộ hình chữ “Giáp” (gần giống vỉ ruồi), xây bằng gạch, gồm 2 buồng trước sau và 4 buồng ngách, quy mô rất lớn, kết cấu phức tạp.

Hầm dẫn vào mộ xây nghiêng dài 39,5m, rộng 9,8m, dốc dần xuống, nơi sâu nhất cách mặt đất 15m.

Mặt bằng mộ hình thang, cạnh lớn dài 22m, cạnh nhỏ 19,5m, chiều cao hình dài 18m, tổng diện tích khoảng trên 740 m2.

Đến năm 2008, Đồn công an xã An Phong thu hồi từ tay bọn đạo chích 3 bức tranh vẽ trên đá, trên có các chữ “Chủ bạ xa”, “Hàm dương lệnh”, “Kỷ Lương”, “Thị Lang” và hình vẽ các trận chiến thủy, bộ. Đặc biệt có một chiếc gối bằng đá, trên có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương ngự dụng”.

Điều này hoàn toàn phù hợp với thân thế của Tào Tháo: Khi còn sống, Tào Tháo là Ngụy Vũ Vương, sau khi con ông là Tào Phi lên ngôi Hoàng Đế mới truy phong ông là Ngụy Vũ Đế.

Chiều ngày 28-12, ông Lưu Khánh Trụ, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện KHXH Trung Quốc, nguyên Viện trưởng nghiên cứu Khảo cổ đã giao lưu trực tuyến trên mạng Sina, chính thức xác nhận ngôi mộ đang khai quật tại An Dương, Hà Nam chính là mộ của nhân vật lịch sử Tào Tháo và coi đây là “phát hiện khảo cổ trọng đại”...

Sự thật hay trò lừa đảo?

Tranh cãi bùng lên về mộ Tào Tháo ảnh 3
Đồ trang sức bằng ngọc tìm được trong mộ

Tin “tìm thấy mộ Tào Tháo ở An Dương” truyền đi, một số học giả lại tỏ ý hoài nghi, cho rằng thiếu các chứng cứ thuyết phục. Ông Viên Tế Hỷ, Phó viện trưởng Viện quốc học Đại học nhân dân Trung Quốc bày tỏ:

Những chứng cứ về “mộ Tào Tháo” được công bố không phải là tài liệu gốc, đều không có sức thuyết phục, việc công bố và khẳng định thông tin trong điều kiện không có các chứng cứ trực tiếp như thế là thiếu tinh thần khoa học nghiêm túc.

Ngày 28-12, khi tiếp phóng viên báo điện tử CNS, ông Viên Thế Hỷ nói, ông lấy làm lạ là chương trình thời sự trên CCTV lúc 10 giờ nói là “phát hiện ngôi mộ nghi là mộ Ngụy Vũ Vương”, đến 12 giờ đã biến thành “phát hiện mộ Ngụy Vũ Vương Tào Tháo” mà chả có thêm chứng cứ gì cả.

Ông nói, ngôi mộ này đã bị đào trộm nhiều lần nên các chứng cứ trực tiếp còn lại rất ít. Hiện những “binh khí” được coi là coi là của Tào Tháo đã sử dụng, rốt cục là thật hay giả, rất khó có thể giám định, vì nó đã bị đào trộm, không còn nguyên dạng, có khả năng bị người khác có ý đồ riêng trong đó...

Về “6 chứng cứ” mà các cơ quan hữu quan viện dẫn để chứng minh mộ Tào Tháo táng ở An Dương, ông Viên Tế Hỷ nói: “Tôi cho rằng những chứng cứ đó đều không phải là chứng cứ gốc, đều không đáng tin cậy”.

Ông nói, Tào Tháo là người nổi tiếng đa nghi, sách sử ghi ông ta cho làm tới 72 ngôi mộ giả, mà thời Hán Nguỵ cách nay đã trên 1.000 năm, chứng cứ then chốt để chứng minh chủ nhân ngôi mộ đâu còn.

Ngôi mộ này không ở Nghiệp Thành, cũng chẳng phải ở Lạc Dương, mà cũng chẳng tìm thấy những chứng cứ liên quan đến Tào Tháo.

Ông Viên Tế Hỷ cho rằng, nghiên cứu học thuật phải thực sự cầu thị, không được suy đoán. Trước đây mấy năm cũng đã xuất hiện chuyện tương tự “phát hiện mộ Tào Tháo”, nhưng qua nghiên cứu xác định thì không phải.

Ông cho rằng vội vã phát đi tin “tìm thấy mộ Tào Tháo ở An Dương”có thể là một dạng đầu cơ thông tin, nhưng điều đó có một khoảng cách lớn đối với nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Ông nói: “Việc chỉ mới phát hiện các chứng cứ gián tiếp chứ không phải chứng cứ trực tiếp mà đã vội vàng khẳng định đó là mộ Ngụy Vũ Vương Tào Tháo, tôi cho rằng điều đó không nghiêm túc”.

Ông nói, trường hợp mộ của Tào Thực (con Tào Tháo) được phát hiện ở Ngư Sơn, tỉnh Sơn Đông đã được giới học thuật công nhận. Có rất nhiều chứng cứ đầu tay xác nhận đó là mộ Tào Thực, những cổ vật trong đó đều rất đầy đủ chứ không như trường hợp “mộ Tào Tháo An Dương”.

Giáo sư Hoàng Chấn Vân, chuyên gia nghiên cứu đồ khắc đá thời Hán Ngụy ở ĐH Chính Pháp Trung Quốc cho rằng: Việc khẳng định mộ Tào Tháo lần này “rất nực cười’, các tranh đá, bia đá đều rất khả nghi, rất có thể được làm giả.

Ông nói, kiểu chữ trong một số mảnh bia đá chưa bao giờ thấy có trong các mộ đời Hán. Ông cũng tỏ ý nghi ngờ các tranh khắc đá được đưa từ ngoài vào chứ không phải tìm được trong mộ.

Ông nói, điều đáng nghi nhất là “Tào Phi soán ngôi nhà Hán, sao lại có thể cho khắc nội dung ca ngợi công nghiệp nhà Hán lên các bức tranh đá được coi là tìm thấy trong mộ như thế?”.

Tin “Tìm thấy mộ Tào Tháo” cũng đã gây chấn động cộng đồng mạng Trung Quốc. Các diễn đàn lớn, box Tào Tháo, box Khảo cổ của mạng Baidu đều tranh luận rất sôi nổi với những quan điểm trái ngược nhau, trong đó rất nhiều ý kiến bảy tỏ nghi ngờ vì tính chân thực của “mộ Tào Tháo”.

Trước tiên là xuất phát từ thuyết “72 mộ giả”: “Đội khảo cổ sao có thể xác định ngôi mộ đó không phải là ngôi mộ giả cố ý chứa những đồ vật ấy? Sao có thể dễ dàng khẳng định xương sọ tìm thấy chính là của Tào Tháo? Lẽ nào trên đó có ký tên ông ta?”.

Về hai vật chứng là bia đá và gối đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương”, có ý kiến cho rằng: “Rất đáng tiếc, những chứng cứ có sức thuyết phục đó lại không phải do các nhà khảo cổ khai quật được mà là tìm được từ tay bọn đạo chích trộm mộ. Có người còn hài hước viết: “Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong mộ  hai xương sọ, một của Tào Tháo, một của Tào Tháo lúc còn nhỏ!”.

Chắc hẳn trong những ngày tới sẽ có thêm những điều lý thú mới mẻ xung quanh ngôi mộ của nhân vật lịch sử này.

Nhà sử học Đào Đoản Phòng thì cho rằng: không có một chứng cứ quan trọng: mộ chí (bia mộ), hơn nữa trong mộ của các quan quân dưới trướng Tào Tháo đều có thể có những thứ binh khí Tào Tháo sử dụng.

Ông nói: “Nếu tôi bảo đó là mộ Hứa Chử, liệu có ai phản bác được không?”.

Ông phê phán việc xác định ngôi mộ này “phương pháp không khoa học, tác phong không nghiêm cẩn... Chỉ trong thời gian ngắn, chứng cứ thì vụn vặt mà đã đưa ra kết luận như thế là rất vô trách nhiệm và rất có thể liên quan đến lợi ích thương mại”.

Thu Thủy
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc

MỚI - NÓNG