Tranh cãi ghế chủ tịch đầu tiên của EU

Tranh cãi ghế chủ tịch đầu tiên của EU
TP - Một quan chức Mỹ năm 1970 từng hỏi: “Tôi sẽ gọi cho ai nếu muốn nói chuyện với châu Âu?”. Phải gần 40 năm sau Liên minh Châu Âu (EU) mới có thể trả lời câu hỏi trên khi sắp bầu chọn chủ tịch đầu tiên, cương vị đang gây không ít tranh cãi.

Ứng cử viên sáng giá nhất trong gần hai năm qua luôn là ông Tony Blair, người rời chức Thủ tướng Anh từ tháng 6/2007.

Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức từng hậu thuẫn mạnh mẽ cho cựu Thủ tướng Blair khi khẳng định ông là nhân vật xứng đáng nhất cho vị trí chủ tịch EU.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo cấp cao ở Pháp, Đức nay lại tỏ ra lạnh nhạt. Nội bộ lãnh đạo Anh cũng có nhiều ý kiến chỉ trích việc ủng hộ cựu Thủ tướng Blair tranh cử ghế chủ tịch EU. Trong khi đó, làn sóng phản đối ông Blair làm chủ tịch EU lại đang nổi lên khắp lục địa này.

Cương vị chủ tịch EU được các nhà lãnh đạo EU sáng tạo ra trong Hiệp ước Lisbon thông qua cuối năm 2007 nhằm thay thế bản dự thảo hiến pháp chung châu Âu chết yểu trước đó.

Nhiều nhà lãnh đạo còn mường tượng rằng ghế chủ tịch sẽ là bước khởi đầu cho ngôi vị tổng thống EU đầy quyền lực trong tương lai. 

Từ trước đến nay, ghế chủ tịch EU thường do một quốc gia thành viên đảm nhiệm theo cơ chế luân phiên sáu tháng. Tuy nhiên, ghế chủ tịch EU sắp tới sẽ do một cá nhân đảm nhiệm với nhiệm kỳ hai năm rưỡi.

Chủ tịch EU sẽ phụ trách chính sách đối ngoại đầy quyền lực cho 27 thành viên, điều hành phiên họp thường kỳ của lãnh đạo các nước trong liên minh.

Tuy nhiên, quyền lực của chủ tịch EU bước đầu sẽ bị hạn chế bởi không được ra quyết sách. Hầu hết công việc quan trọng hàng ngày của EU vẫn do Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) đảm nhiệm.

Lãnh đạo các nước lớn trong EU cho rằng cơ chế làm chủ tịch luân phiên không còn phù hợp với tình hình mới khi mỗi thành viên phải chờ quá lâu mới đến lượt mình.

Các nhà lãnh đạo khác lại tuyên bố cơ chế luân phiên giúp nước nhỏ trong EU có cơ hội gia tăng ảnh hưởng mỗi khi đảm nhận ghế chủ tịch dù chỉ trong sáu tháng.

“Những nước nhỏ và vừa ít quan tâm tới việc nên có một nhà lãnh đạo quyền lực”, Thủ tướng Cộng hoà Séc, nước đang đảm nhận ghế chủ tịch EU, giải thích.

Các lãnh đạo thiên về cánh hữu ở một số nước EU lại không thích cựu Thủ tướng Blair vì ông từng ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq. Các đảng phái chính trị thân thiện với giới kinh doanh và ủng hộ phe bảo thủ phản đối việc đại diện của EU lại đến từ một quốc gia chưa sử sụng đồng tiền chung euro và không tham gia hiệp ước miễn thị thực nội khối Schengen. 

Giới phân tích cho rằng cơ hội để ông Blair trở thành chủ tịch EU đang ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, nhiều ứng cử viên khác đang nổi lên bao gồm đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Felipe Gonzalez, Thủ tướng Pháp Francois Fillon, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski...

MỚI - NÓNG