Tranh cãi về chuyện nối ngôi Hoàng gia Nhật

Tranh cãi về chuyện nối ngôi Hoàng gia Nhật
Cánh bảo thủ trong cung đình Nhật Bản đang mừng rỡ trước tin công nương Kiko mang thai. Công nương năm nay 39 tuổi, là vợ con thứ hai của Nhật hoàng.
Tranh cãi về chuyện nối ngôi Hoàng gia Nhật ảnh 1
Nếu công nương Kiko sinh con trai thì điều đó sẽ giúp chấm dứt những tranh cãi về thay đổi trong Hoàng gia

Dự kiến, cô sẽ sinh con vào mùa thu này - và điều đó làm cho cánh bảo thủ trong triều chính Nhật bớt đi quan ngại lớn nhất của họ về viễn cảnh sẽ có một phụ nữ lên nắm ngai vàng.

Trong nhiều tháng, Nhật Bản đã chứng kiến những tranh luận nảy lửa về chuyện liệu có nên sửa đổi Luật Hoàng gia hay không. Đạo luật này hiện chỉ cho phép con trai lên nối ngôi.

Kể từ năm 1965 đến nay, gia đình Hoàng gia không hề có con trai, và điều đó làm cho phe ủng hộ thay đổi có chiều hướng nắm phần thắng trong cuộc tranh cãi.

Tuy nhiên, tin công nương Kiko mang thai ít nhất đã làm chậm lại quá trình đòi sửa đổi luật - và nếu cô sinh ra một cậu con trai thì có thể còn chấm dứt công việc cải cách Hoàng gia này.

Tranh cãi về chuyện nối ngôi Hoàng gia Nhật ảnh 2
Hoàng gia Nhật Bản hiện nay

Phản ứng

Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi, người đã cam kết sẽ thay đổi luật nối ngôi vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội vào tháng Sáu này, hiện tỏ ra thận trọng hơn.

Tuyên bố chỉ một ngày sau khi nhận được tin công nương Kiko mang thai, ông nói: "Nếu luật có thể được thực thi khi mọi người đều ủng hộ thì đó là điều đáng mong muốn".

Hôm thứ Sáu, ông có vẻ đi xa hơn sau khi bị truyền thông Nhật chỉ trích rằng ông lảng tránh kế hoạch ban đầu. Ông nói: "Chúng ta nên có quyết định sau khi nắm được cụ thể tình hình thế nào. Tôi không nghĩ rằng vấn đề này tạo ra xung đột chính trị".

Việc thay đổi quan điểm của ông Koizumi cho thấy có thể ông không muốn đương đầu với các lực lượng bảo thủ có thế lực vốn phản đối việc cho phụ nữ lên nắm quyền.

Tin công nương Kiko mang thai - hiện mới ở trong giai đoạn đầu - bị một thành viên trong gia đình Hoàng gia tiết lộ.

Việc tin này được tung ra công chúng quá sớm cho thấy có thể một số quan chức Hoàng gia đang hết sức muốn bỏ đi tranh luận đòi sửa đổi luật nối ngôi.

Theo các thăm dò dư luận, công chúng Nhật có vẻ ủng hộ việc để cho phụ nữ lên nối ngôi.

Tuy nhiên, các chính trị gia trong đảng Dân chủ Tự do của Nhật tỏ ra chia rẽ hơn về chuyện này.

Tranh cãi về chuyện nối ngôi Hoàng gia Nhật ảnh 3
Nặng về nam quyền

Dư luận thường nhận định rằng việc phản đối thay đổi, trong một xã hội nặng về nam quyền như Nhật Bản, là bắt nguồn từ mối lo sợ dành cho phụ nữ quá nhiều quyền lực.

Công chúng Nhật rất quan tâm đến chuyện này

Tuy nhiên, các phân tích gia nói thực tế không phải như thế.

Bà Hiroko Takeda, giảng viên khoa Đông Á học tại đại học Sheffield, nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện đó có liên quan tới vấn đề bình đẳng giới". Bà nói chuyện đó liên quan tới việc bảo vệ truyền thống Nhật Bản - với gia đình Hoàng gia lúc nào cũng có vị trí tâm điểm.

Ông Ichiyo Muto - Chủ tịch một tổ chức nghiên cứu về các hệ thống chính trị và xã hội Nhật Bản - cũng đồng ý rằng vấn đề giới tính không quan trọng trong việc cải cách Hoàng gia Nhật.

Ông cho biết cánh bảo thủ trong Hoàng gia nhận thấy nhu cầu phải thay đổi, tuy nhiên, họ cho rằng cần phải thay đổi từ từ chứ không thể làm mạnh một lúc được.

Nếu công nương Kiko sinh con trai thì điều đó tạo ra một giải pháp dễ dàng cho vấn đề nối ngôi trong Hoàng gia, ít nhất là thêm một thế hệ nữa.

Theo BBC

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.