Tranh chấp kho báu nửa tỷ đô la dưới đáy biển

Tranh chấp kho báu nửa tỷ đô la dưới đáy biển
TP - Ngày 18/5, tin công ty Mỹ “Odyssey Marine Exploration”  (OME) thông báo tìm được kho báu trị giá 500 triệu đô la trong hầm một con tàu bị đắm vào thế kỷ XVII đã gây chấn động dư luận.
Tranh chấp kho báu nửa tỷ đô la dưới đáy biển ảnh 1
OME đang trục vớt kho báu

Và cuộc tranh chấp đã bắt đầu.

Kho báu đó quả thực rất ấn tượng: Hầm con tàu bị đắm chất đầy những chiếc hòm lớn có chứa 50 nghìn đồng tiền bạc với trọng lượng lên tới hơn 17 tấn, hàng trăm đồng tiền vàng cùng rất nhiều châu báu, vật dụng và tác phẩm nghệ thuật khác.

Chắc chắn đây là kho báu lớn nhất từ trước đến nay được trục vớt từ dưới đáy đại dương. Cũng theo lời khẳng định của Công ty OME, toàn bộ công việc tìm kiếm và trục vớt đều được thực hiện theo đúng các điều luật quốc tế.

Toàn bộ kho báu đã được đóng trong các container plastique và chuyên chở hợp pháp về Mỹ và hiện nay đang được cất giữ tại một địa điểm “kín đáo và an toàn”.

Đề án tìm kiếm kho báu nói trên của OME mang mật danh “Thiên nga đen”, một tên gọi gợi nhớ ngay đến cuốn tiểu thuyết cùng tên thuộc đề tài cướp biển của nhà văn Raphael Sabatini.

Khi trục vớt kho báu, các chuyên gia của OME phải sử dụng đến loại robot “ZEUS” điều khiển từ xa và có khả năng hoạt động ở độ sâu 2.500 mét. Địa điểm tìm thấy kho báu được OME giữ trong vòng tuyệt mật.

OME chỉ vắn tắt thông báo rằng kho báu được tìm thấy “tại một nơi nào đó ở Đại Tây Dương”, tại một khu vực có nhiều tàu bị đắm nhưng khồng nằm trong vùng biển của bất kỳ nước nào cũng như không nằm trong phạm vi pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Tên gọi con tàu có chứa kho báu cũng không được nêu lên. 

Chính vì sự mơ hồ đó mà trên báo chí xuất hiện nhiều giả thuyết. Giả thuyết có sức nặng hơn cả cho rằng đó là con tàu buôn “Merchant Royal” của Anh bị đắm ngày 23/9/1641 tại một nơi cách bờ biển mạn tây nam nước Anh chừng 40 hải lý khi chuyên chở vàng bạc châu báu từ Mehico về Anh.

Trong hầm con tàu “Merchant Royal” có chứa một lượng vàng trị giá hơn 20 triệu đô la theo thời giá hiện nay, 400 thỏi bạc và nửa triệu đồng tiền cổ. Nếu giả thuyết này được xác nhận thì Anh và Tây Ban Nha đều sẽ có lý do nêu yêu sách đối với kho báu mà công ty OME vừa tìm thấy.

Anh có lý do bởi vì đây là con tàu của Anh, còn Tây Ban Nha có lý do bởi vì kho báu này là do người Anh cướp đoạt của người Tây Ban Nha.

Cũng nên biết thêm đôi điều về Công ty Mỹ “Odyssey Marine Exploration”, một công ty chuyên tìm kiếm các kho báu dưới đáy đại dương. Hoạt động của công ty này đã nhiều lần bị chỉ trích và bị cáo buộc là núp dưới danh nghĩa “tìm kiếm khảo cổ học” để “cướp bóc” các con tàu bị đắm.

Khi đề án “Thiên nga đen” thành công mỹ mãn thì Tây Ban Nha là nước đầu tiên có phản ứng chính thức.

Theo tuyên bố của Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, Chính phủ nước này đã chỉ thị cho lực lượng Cảnh sát Quân sự phải mở cuộc điều tra để làm rõ tình huống tìm ra kho báu nói trên, cụ thể, con tàu đó là của nước nào và nơi tìm thấy con tàu là ở đâu.

Nếu con tàu đó là của Tây Ban Nha và nơi tìm thấy con tàu nằm trong vùng biển Tây Ban Nha thì Tây Ban Nha có thể có những yêu sách đối với kho báu khổng lồ đó.

Tuy nhiên, ngày 23/5 vừa qua, Công ty OME đã ra thông báo thứ hai khẳng định con tàu bị đắm có chứa kho báu nói trên không nằm trong vùng biển của Tây Ban Nha mà cũng không phải là con tàu “Sussex” của Anh bị đắm cách đây hơn 4 thế kỷ.

Xem ra, cuộc tranh chấp mới chỉ bắt đầu và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Ngọc Thoa
Theo “Sự thật thanh niên”

MỚI - NÓNG